Mệt vì số định danh trên căn cước

(ĐTTCO) - Theo quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, được sử dụng để thực hiện các giao dịch và phải xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu. 
Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định chi tiết luật, hành vi “không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng.
Một nguyên lý căn bản và hoàn toàn dễ hiểu là để xác định danh tính (định danh), mỗi công dân chỉ có một số chứng minh hoặc căn cước, dù là được cấp lần đầu hay cấp lại. Quan trọng là thế, nhưng việc cấp và sử dụng loại giấy tờ tùy thân này đang có vô số bất cập, gây phiền toái rất lớn cho công dân. Tình trạng khá phổ biến trong thực tế hiện nay là một người có thể có từ 2 - 3 số định danh, thậm chí nhiều hơn.
Nếu người dân được cấp chứng minh nhân dân từ trước tháng 7-2012 thì khi thay đổi nơi thường trú khác tỉnh, thành, số chứng minh nhân dân sẽ thay đổi. Từ tháng 7-2012 trở đi, chứng minh nhân dân được đổi từ 9 thành 12 số theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Thực hiện Luật Căn cước công dân 2014, người được cấp thẻ căn cước công dân (dù vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân được cấp trước đó) sẽ có một dãy số khác. Trong các trường hợp trên, số định danh của người đó hoàn toàn khác nhau, không có sự liên hệ nào với số cũ. Thậm chí chỉ riêng với trường hợp thứ nhất, thì mỗi công dân đã có thể có nhiều số định danh khác nhau.
Việc có nhiều số đã phức tạp, nếu vô tình bị trùng lại phức tạp không kém. Quá trình rà soát cấp mã số thuế cá nhân, Tổng cục Thuế đã phát hiện ra không ít trường hợp số định danh - lẽ ra phải là duy nhất - vẫn bị cấp trùng. Từ năm 2007 - 2015, TPHCM đã phát hiện 7.232 người bị cấp trùng số chứng minh nhân dân. Trong khi đó, có rất nhiều loại giao dịch muốn thực hiện thành công bắt buộc phải đối chiếu khớp đúng với số giấy tờ tùy thân đã được ghi nhận trước đó.
Người viết bài này đã không thể rút một khoản tiền tiết kiệm rất nhỏ do số chứng minh nhân dân đang sử dụng khác với số đã được ghi trên thẻ tiết kiệm, mặc dù đã có xác nhận của cơ quan công tác. Tương tự, nhiều người khác không thể công chứng giao dịch nhà đất nếu số chứng minh của chủ sở hữu khác với số đã ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất…
Thật khó để khi đổi chứng minh nhân dân hoặc làm thẻ căn cước lại phải đi đăng ký với tất cả những nơi mà mình lường trước sẽ có giao dịch trong hàng chục năm tới. Và quy trình để chứng minh “tôi là chính tôi” hiện cũng chưa thống nhất, khi mỗi nơi đều có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, đủ khiến những người vướng vào tình huống trên mệt sức, tốn kém thời gian, tiền bạc và đối diện với rủi ro pháp lý.
Một phần những vướng mắc này đã được giải quyết nhờ Công văn số 12219/VPCP-KSTT ngày 15-11-2017 về việc “Cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân” của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, “Bộ Công an thực hiện việc cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân cho công dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân, thay vì chỉ cấp khi công dân có yêu cầu như hiện nay”.
Thế nhưng, vẫn còn hàng chục triệu giấy tờ tùy thân đã được cấp trước đó, chưa kể việc người được cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân vẫn phải lưu giữ cẩn thận tờ giấy mỏng manh này trong vài chục năm. Một giải pháp được Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đề nghị là in thêm số chứng minh nhân dân vào căn cước công dân. Giải pháp của ông Trương Thanh Đức có thể chưa phải tối ưu, nhưng rõ ràng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề tưởng nhỏ mà không hề nhỏ này.

Các tin khác