Miền Trung: Lũ vừa qua lại lo bão tới

(ĐTTCO) - Chiều 13-10, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia tổ chức cuộc gặp báo chí cung cấp thông tin về tình hình thời tiết đang có diễn biến phức tạp trên biển và đất liền. Tuy lũ ở miền Trung đang rút nhưng tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng khi bão số 7 chuẩn bị tiến vào đất liền.
Người dân thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng dọn dẹp khi lũ bắt đầu rút. Ảnh: Xuân Quỳnh
Người dân thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng dọn dẹp khi lũ bắt đầu rút. Ảnh: Xuân Quỳnh
Khắc phục lũ, chuẩn bị chống bão
Đến chiều 13-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hầu hết các tuyến đường nội thị đã phục hồi lưu thông. Tuy nhiên, tuyến đường đi các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My do sạt lở nhiều điểm, chính quyền đang tập trung khắc phục khơi thông đảm bảo an toàn cho người dân. 
Tại Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) do mưa lớn làm sạt lở đất đá xuống khu nội trú học sinh, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GD-ĐT tỉnh yêu cầu di dời 177 học sinh đến học tại Trường THPT Tây Giang (cách 40km) để học tập và sinh hoạt. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 21 điểm trường trên địa bàn sạt lở. Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Lý Tự Trọng (A Xan, huyện Tây Giang), nước tràn vào khu nhà kho nên toàn bộ học sinh phải chuyển đến Đồn Biên phòng A Xan ở tạm.
Miền Trung: Lũ vừa qua lại lo bão tới ảnh 1 Vị trí và đường đi của cơn bão số 7 vào lúc 17 giờ chiều nay 13-10.
Trong khi đó, từ tối 12 đến ngày 13-10, Quảng Trị có mưa rất lớn, nước trên các sông đều lên nhanh gây ngập lụt nặng trở lại tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Quảng Trị có 41.000 hộ với hơn 125.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó đã triển khai sơ tán gần 8.300 hộ với hơn 25.000 người đến các khu vực an toàn. 
Tại tỉnh Hà Tĩnh, đến chiều 13-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với các địa phương ven biển đã thực hiện thông báo, kêu gọi 3.957 tàu cá với 14.932 lao động trên biển vào các nơi tránh trú bão an toàn ở trong và ngoài địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cũng đã ký ban hành công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 7; yêu cầu tuyệt đối không được để sót những tình huống không kiểm soát, dẫn đến thiệt hại không đáng có, nhất là nhân dân vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, vùng hạ du các hồ chứa, đê điều.
Chiều 13-10, ông Nguyễn Trường Thành, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, cho biết, tỉnh đã xây dựng, lên kịch bản chi tiết để ứng phó với bão số 7. Toàn tỉnh Nghệ An có 3.485 tàu thuyền với 17.473 ngư dân đánh bắt trên biển đã nhận được thông tin về cơn bão, đã và đang vào bờ tránh trú bão.
Tại huyện Quỳnh Lưu, nơi tâm bão số 7 dự kiến sẽ đổ bộ, huyện đã lên phương án di dời 149 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, toàn bộ gần 1.200 tàu thuyền của địa phương này đã vào trú tránh tại Lạch Thơi và Lạch Quèn. Từ chiều 13-10, Nghệ An cấm tàu thuyền ra khơi. 
Tại tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 13-10, có hơn 7.000/7.211 phương tiện với 25.378 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện các tàu thuyền còn lại đang vào trú tránh bão tại Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận…
Bão hướng vào Bắc bộ và Bắc Trung bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều và tối 13-10, bão số 7 với cấp 9-10, giật cấp 12 đã đi vào vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc), tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, vào vịnh Bắc bộ vào sáng 14-10. Đến chiều 14-10, tâm bão số 7 sẽ đi vào đất liền các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ với sức gió đạt cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến 16-10, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, phía Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến khoảng 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh khoảng 50 - 150mm/đợt.
“Thời điểm gió mạnh nhất là từ trưa đến tối 14-10” - TS Hoàng Phúc Lâm cảnh báo và đề nghị các địa phương, người dân cần đề phòng hiện tượng dông, lốc kèm gió giật mạnh do hoàn lưu trước bão xuất hiện từ sáng sớm 14-10. Cơn bão này có xác suất cao gây mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Tại Quảng Ninh, Hải Phòng cũng sẽ có mưa rất to kèm gió mạnh.
Chiều tối 13-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công văn số 1037 gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đề nghị đảm bảo cho đê điều an toàn trước bão số 7. 

Các tin khác