Miền Trung: Trắng tay sau đêm chạy lũ

(ĐTTCO) - Giữa đêm, lũ lớn ở thượng nguồn ồ ạt đổ về nhấn chìm hàng chục ngàn nhà dân ở miền Trung. Nhiều người phải chạy lên núi, che lều tạm ở nơi cao ráo tránh lũ…

Lũ lớn về giữa đêm

Khuya 10-11, lũ lớn bất ngờ đổ về hạ du sông Kôn (Bình Định), nhấn chìm hàng ngàn nhà dân. Bà Trần Thị Thi bàng hoàng kể: “Giữa đêm, nước lũ ở đâu ùn ùn đổ về khiếp lắm. Lũ vào, nhà mất điện. Cả nhà dắt nhau chạy ra đường ray xe lửa để dựng lều tạm trốn lũ, bỏ lại tài sản bị lũ cuốn”. 2 giờ sáng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định được điều động khẩn cấp để tiếp cận, giải cứu người dân mắc kẹt trong lũ dữ. 

Bộ đội cắt lũ tiếp cận cứu người dân ở hạ du sông Hà Thanh, Bình Định, trong đêm 10-11. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Bộ đội cắt lũ tiếp cận cứu người dân ở hạ du sông Hà Thanh, Bình Định, trong đêm 10-11. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Sáng 11-11, PV Báo SGGP đi nhờ ghe máy vào các rốn lũ của thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Tại xã Núi Đất (thị trấn Chí Thạnh), ông Lê Tới bức xúc: “Cứ giữa đêm, mấy hồ chứa xả lũ thì chết dân. Mất điện, lũ ùn ùn dâng lên cao nên dân tất tả chạy lũ. Không có cái khổ nào bằng”. Tại xóm Trường, xóm Tre, sáng cùng ngày lực lượng chức năng thị trấn Chí Thạnh cắt cử nhau bơi xuồng vào vùng lũ để phát cơm hộp cho hàng trăm hộ dân đang bị lũ cô lập. Tại rốn lũ huyện Đồng Xuân (Phú Yên), nhiều người dân thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 đã phải chạy lên rừng để dựng lều, đốt lửa sưởi ấm, trốn lũ giữa đêm mưa tầm tã.

Tương tự, tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, lũ tiếp tục nhấn chìm hàng ngàn hộ dân. Các vùng trũng như Nông Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, TP Hội An (Quảng Nam) bị ngập sâu. Tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), chính quyền đã di dời khẩn cấp hơn 1.600 hộ dân tránh lũ và sạt lở núi. Trong khi đó, ở vùng hạ du sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), lũ từ đầu nguồn đổ xuống chia cắt các xã Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng Thọ và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền). Trong ngày 11-11, chính quyền tại đây đã sơ tán hơn 5.000 hộ dân vùng xung yếu, ngập lũ đến nơi an toàn. Cùng ngày, các tỉnh miền Trung chủ động cho học sinh vùng xung yếu, ngập lụt, sạt lở đất tiếp tục tạm nghỉ học.

Cơ nghiệp trôi theo nước

Sáng 11-11, bà Võ Thị Dư (72 tuổi, xóm Trường, khu phố Ngân Sơn, huyện Tuy An, Phú Yên) trở về nhà sau một đêm thức trắng chạy lũ. Vừa bước vào nhà, bà Dư nước mắt lưng tròng vì đồ đạc trong nhà bị nước lũ nhấn chìm. Số muối vừa thu hoạch, bà Dư tích trữ chờ bán đã tan hết trong nước. Bà Dư ở với chị mình là bà Võ Thị Mười (74 tuổi) đau bệnh nằm liệt giường hơn 10 năm nay và người con gái tật nguyền. Một mình bà Dư phải chạy vạy buôn muối nhỏ lẻ để kiếm tiền mua thuốc cho chị và con. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lũ về càng khiến hoàn cảnh của gia đình bà Dư chật vật hơn. 

Miền Trung: Trắng tay sau đêm chạy lũ ảnh 1Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế dùng ghe đi lại trưa 11-11. Ảnh: VĂN THẮNG

Tại vùng nuôi trồng thủy hải sản ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nhiều hộ dân mắt đỏ hoe nói, lũ lớn đã cuốn trôi hàng tỷ đồng và bao công sức của họ, nhiều người trắng tay, cùng quẫn. Trong ngôi nhà nhỏ, vợ chồng ông Trần Văn Cơ (50 tuổi, khu phố Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) đang lo lắng sợ chủ nợ vây siết lấy nhà. Đêm, lũ đổ về vịnh Xuân Đài, dòng nước dữ đã nhấn chìm khu vực nuôi tôm cá, cuốn phăng lồng bè của ông Cơ. Cha con ông khi đó chỉ biết bất lực đứng nhìn. “Lồng bè của gia đình tôi bị lũ cuốn trôi hết, 20.000 con tôm hùm xanh nuôi được 3-5 tháng và nhiều cá mú, cá bớp cũng bị cuốn trôi, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Hơn 20 năm nuôi tôm cá trên vịnh Xuân Đài tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vậy…”, ông Cơ kể lại.

Gần bè cá tôm của ông Cơ, bè cá tôm của anh Trần Yên (45 tuổi) cũng bị lũ cuốn trôi, tổn thất trên 600 triệu đồng. Hộ anh Trần Yêm (42 tuổi) bị lũ cuốn gần 20.000 tôm hùm xanh và cá, tổn thất trên 700 triệu đồng. Vợ anh Yêm, chị Trần Thị Được (38 tuổi) khóc nghẹn: “Tôm của tôi đã đến lúc thu hoạch, giờ bị lũ cuốn trôi hết, coi như trắng tay. Trước đó, cứ nghĩ bão nên chằng chống lồng bè, gom tôm cá thả sâu xuống mặt nước là được, ai ngờ lũ lại đổ về khiến chúng tôi không kịp trở tay. Hiện tôi lo nhất là khoản nợ 600 triệu đồng ở ngân hàng, biết lấy gì trả lãi. Vợ chồng tôi với 4 con thơ, tương lai trước mắt chẳng biết bấu víu vào đâu”.

Trong và sau cơn bão số 12, mưa lớn khiến cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở Phú Yên đều “vỡ trận”, không trụ nổi buộc phải xả lũ về hạ du. Thủy điện Sông Ba Hạ đến 9 giờ ngày 11-11, nâng mức xả về hạ du Phú Yên từ 4.900-5.900m3/giây. Trong khi đó, 50 hồ chứa thủy lợi ở Phú Yên cũng đồng loạt xả tràn… Tại Quảng Nam, thủy điện Đăk Mi 4 lưu lượng về hồ mức 1.405m3/giây, xả qua tràn 962m3/giây; hồ Sông Tranh 2 lưu lượng về 2.348m3/giây, xả lũ 1.920m3/giây…

Các tin khác