Một ngày lễ đặc biệt

(ĐTTCO)-Khác xa với cảnh ùn tắc tại các trục giao thông chính cửa ngõ ra khỏi thành phố, ngày 30-4, tại khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM lại thưa vắng. Phố phường thênh thang, bình yên, không còn cảnh quá tấp nập... 
Một Hà Nội vắng vẻ và bình yên trong ngày 30-4. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một Hà Nội vắng vẻ và bình yên trong ngày 30-4. Ảnh: VIẾT CHUNG

1. Với gia đình bà Đặng Chính Giang (Hoàng Mai - Hà Nội), ngày 30-4 luôn có ý nghĩa thật đặc biệt. Ngày 30-4-1975, gia đình bà bất ngờ nhận được thông tin về người cha từ chiến trường gửi về sau 21 năm xa cách. Và bắt đầu từ năm ấy, cứ đến 30-4 là mọi thành viên trong gia đình lại cùng nhau tụ hội để quây quần ăn chung một bữa cơm đoàn tụ.

Đã 46 năm trôi qua, cha và mẹ bà lần lượt về với ông bà tổ tiên song cái nếp cùng bên nhau trong ngày lịch sử vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 dai dẳng đã giữ chân gia đình cậu con trai bà ở nước ngoài; trong khi các con, các cháu cũng quyết định “ai ở đâu ở yên đó” do những ca lây nhiễm mới xuất hiện ở Hà Nam, Hưng Yên...  

Nhiều gia đình ở Hà Nội cũng hủy bỏ lịch tụ tập, thậm chí nhiều người còn bỏ luôn cả chuyến du lịch được kỳ công lên kế hoạch từ trước. Chị Hằng Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cả nhà đã thay thế chuyến đi xa bằng một “tour” vòng quanh phố cổ và kết thúc ở rạp chiếu phim.
Lâu lắm mới có dịp được thong thả ngắm đường, ngắm phố. Các quán cà phê, rạp chiếu phim cũng chỉ bằng nửa ngày thường. Song điều khiến chị và các con vô cùng ấn tượng là được cùng theo dõi lễ thượng cờ sáng 30-4 ở quảng trường Ba Đình. “Đó là khoảnh khắc thật đặc biệt. Thiêng liêng, tự hào! Nó khiến tôi và bọn trẻ được tiếp thêm năng lượng, thêm yêu mảnh đất mình đang sống”, chị Nga xúc động nói.

Tại các điểm di tích của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử giám, nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn… lượng du khách có đông hơn đôi chút so với ngày thường nhưng công tác phòng chống dịch được triển khai khá nghiêm túc. Mỗi du khách đều được yêu cầu khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn và nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn. 

Cũng như nhiều điểm đến khác ở Hà Nội, các rạp chiếu phim, hàng quán, cà phê chỉ lác đác người qua lại, thậm chí không đông bằng ngày thường. Không khó để nhận ra, người dân thủ đô đang cùng nhau chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch nên hạn chế ra đường trong những ngày này. Tại các sân khấu ngoài trời ở Hà Nội, vì yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, các chương trình nghệ thuật quần chúng cũng được hủy bỏ. Năm nay, người dân thủ đô đón một kỳ nghỉ lễ ít ồn ào và bình yên.

2. “Sáng nay nắng đẹp lắm con, đường phố ít người so với ngày thường. So với năm ngoái, năm nay các điểm vui chơi, di tích lịch sử, du lịch vẫn được mở để bà con có nơi lui tới vui chơi, tham quan, tìm hiểu”, chú Đỗ Văn Độ (57 tuổi, tài xế Grab), chở chúng tôi đến Thảo Cầm viên Sài Gòn, cho biết. 

Những ngày lễ gần đây, Thảo Cầm viên luôn đón lượng khách tham quan khá lớn sau một năm 2020 chịu ảnh hưởng quá nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngay từ sáng sớm 30-4, người dân đi chơi theo nhóm, gia đình đã đưa nhau đến đây để nghỉ mát. Dù các đường phố nơi khác có im ắng hơn thường ngày nhưng nơi đây đông hơn hẳn. Từ ngoài cổng đến quầy mua vé chật kín người dân xếp hàng chờ, bên trong khuôn viên chỗ nào cũng đông người.

Ngồi nghỉ mát ở ghế đá, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nói: “Những dịp lễ dài ngày như thế này các năm trước hai vợ chồng thường đưa con về quê hay đi du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt. Năm nay, mua vé sẵn đi Đà Lạt mà thấy tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên quyết định không đi. Chọn tới đây, chủ yếu là cho con vui chơi. Dẫu vậy, để giữ an toàn, mình cố gắng đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, giữ vệ sinh khử khuẩn và khai báo y tế kỹ”. 

Khác với các tuyến đường trong thành phố, đoạn đường Lê Duẩn từ Thảo Cầm viên đến Công viên 30-4, Hội trường Thống Nhất tập trung đông người hơn hẳn bởi nơi đây đón đoàn đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TPHCM lần thứ 33 về đích. Tất cả đều tuân thủ việc mang khẩu trang phòng dịch.  

Khác với nhiều người chọn công viên, sở thú để vui chơi, nghỉ lễ, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Anh (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chọn Hội trường Thống Nhất để tham quan. Chị cho biết: “Năm nay dự định đưa các con đến tham quan nơi đây đã thực hiện được. Các con học cấp 2, cấp 3 rồi nên tôi muốn các con biết nhiều về lịch sử, đặc biệt hiểu sâu sự kiện năm 1975 tại nơi này”. 

Một ngày lễ đặc biệt, dù ở nhà, dù ở các khu vui chơi ngay trong thành phố hay các di tích ý nghĩa thì điều đáng mừng là nhiều người dân đã có ý thức tìm hiểu lịch sử bên cạnh việc không quên đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các tin khác