Mưa lũ gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi

(ĐTTCO)-Chiều 30-11, ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) cho biết, trong hai ngày 29 và 30-11, tại địa phương xảy ra mưa lớn làm sạt lở nhiều điểm trên các tuyến giao thông độc đạo vào trung tâm xã.
Sạt lở núi Chư Quanh ở xã Hoà Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vùi lấp và làm hư hỏng nhiều nhà dân
Sạt lở núi Chư Quanh ở xã Hoà Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vùi lấp và làm hư hỏng nhiều nhà dân

Đặc biệt, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường ĐT647 Phú Yên - Gia Lai đoạn qua xã Phú Mỡ. Hiện tại, chính quyền đã cử người trực chốt tại các điểm đường sạt lở để hỗ trợ, cảnh báo người dân. Theo phản ánh của người dân địa phương, tuyến ĐT647 đi qua địa hình dốc cao, có vị trí vách núi cao đến 80m song đơn vị thi công lại không làm ta luy bảo vệ nên khi xảy ra sạt lở rất nguy hiểm.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, mưa lớn khiến mực nước tại các hồ chứa lên cao, nhiều hồ buộc phải vận hành xả lũ gây ngập lụt nhiều vùng dân cư thấp trũng. Trong đó, các thủy điện Sông Ba Hạ từ chiều 29-11 xả lũ về hạ du lưu lượng 254m³/giây; thủy điện Sông Hinh sáng 30-11 xả lũ về hạ du với lưu lượng 1.554m³/giây; hồ thủy điện Krông HNăng xả lũ 470m³/giây. 

Trong đó, 50 hồ chứa nước thủy lợi, tất cả các hồ có dung tích nhỏ đều xả tràn tự do… Do mưa lớn kèm theo các hồ chứa vận hành xả lũ đã khiến nhiều khu vực dân cư ở các huyện Tây Hòa bị ngập lụt, lũ lên cao gây cô lập, chia cắt hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Lạc Chỉ, Mỹ Xuân (xã Hòa Mỹ Đông)…

Chiều 30-11, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực ứng phó và khắc phục sự cố sạt lở tại thôn 2, xã Hòa Phong (sạt lở gần 400m núi làm hư hỏng 4 căn nhà); thôn 3, thôn 4 và thôn 8 tại xã Hòa Lễ (làm hư hỏng 3 căn nhà). Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều tuyến đường liên xã bị ngập lụt và hơn 273ha hoa màu bị ngập. 

Trên địa bàn tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk), đến chiều tối 30-11 mưa vẫn nặng hạt, nước khu vực hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đang dâng lên. Trước tình hình này, lực lượng chức năng đã tổ chức di dời người dân ở khu vực trũng của hồ lên khu vực cao hơn. 

Khánh Hòa: 1 người bị mất tích do lũ cuốn

Trong ngày 30-11, tại Khánh Hòa vẫn mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều nơi trên địa bàn ngập cục bộ. Mưa lớn làm 1 người dân tại huyện Vạn Ninh bị lũ cuốn mất tích trong lúc đi lấy măng tại khu vực Thác Bay - Kèo Chò (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh). Đến ngày 30-11, một số hồ chứa tại Khánh Hòa tiến hành xả lũ. Chính quyền địa phương đã sơ tán 434 hộ với 1.700 nhân khẩu.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt đã thông xe. Tuy nhiên, do tiếp tục có mưa to nên tuyến đường này phát sinh thêm một số điểm sạt lở mới, khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. 

Tối 30-11, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, lực lượng cứu hộ của huyện vẫn chưa thể tiếp cận đoàn khách du lịch đến từ TPHCM tham gia tour leo núi Tà Giang đang bị kẹt trong rừng. Theo ông Nhuận, hiện nước ở các sông suối trong khu vực đang dâng cao khiến đoàn cứu hộ không thể tiếp cận được; huyện cũng đã báo cáo với tỉnh để xin hỗ trợ người và phương tiện phục vụ công tác cứu hộ đoàn khách nói trên. 

Theo thông tin ban đầu, sáng 28-11, có 2 đoàn khách gồm 36 người từ TPHCM lên Khánh Sơn để leo núi (đi cùng 9 người dân địa phương dẫn đường) đến điểm tham quan. Các đoàn đều tự liên hệ với người dân địa phương để hướng dẫn (đoàn leo núi theo hướng từ núi Tà Giang, xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn). Tuy nhiên, đến hết ngày 30-11, dù đã kết thúc hành trình nhưng nhóm khách này vẫn chưa về đến nơi và mất liên lạc do địa hình núi cao, không có sóng điện thoại. Theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, thời gian gần đây do tình hình mưa lũ nên địa phương đã cắm biển cấm thực hiện hoạt động leo núi ở đây.

Tại Lâm Đồng, đến tối 30-11 lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân bị lũ cuốn trôi khi đi du lịch khám phá Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, nước suối dâng cao, chảy xiết. Mưa lũ cũng gây ngập cục bộ khoảng 355ha rau màu ven sông Đa Nhim thuộc các xã Lạc Xuân, Ka Đô, Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương).

Cùng ngày, nước sông dâng cao chia cắt quốc lộ 40B qua địa phận huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) khiến nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và đường lên huyện Nam Trà My bị cô lập. Hiện huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo tất cả xã, thị trấn chủ động ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng chốt chặn, cấm người và phương tiện qua lại các khu vực cầu cống, ngầm bị ngập, chia cắt và các điểm có nguy cơ sạt núi.

Những ngày qua, mặc dù lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã cố gắng nỗ lực thông đường tạm đến xã Phước Thành và nối đường đến xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân nhưng thời tiết ngày càng xấu, mưa vẫn tiếp tục nặng hạt làm tuyến đường tạm sạt lở trở lại gây khó khăn trong việc lưu thông. 

Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm hư hỏng hoàn toàn hệ thống ống dẫn nước suối từ đầu nguồn về khiến gần 3.000 người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng sống tại 2 xã Phước Thành và Phước Lộc thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Hiện người dân phải đi hàng chục cây số kéo tạm những đường ống còn sót lại sau lũ để dẫn nước về làng.

Miền Bắc đón đợt rét đầu tiên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, miền Bắc đã đón đợt rét đầu tiên. Theo đó, nền nhiệt độ ở Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình… giảm xuống chỉ còn 14-15°C; nhiệt độ tại Sa Pa (Lào Cai) còn 8°C; tại Cao Bằng và Lạng Sơn là 11-12°C…

Dự báo trong những ngày tới, nhiệt độ ở Hà Nội có thể xuống 13-15°C (ngưỡng rét đậm); còn tại Sa Pa có thể xuống 6°C và kéo dài nhiều ngày do không khí lạnh liên tục tăng cường xuống miền Bắc nước ta. Cũng theo dự báo, miền Trung và miền Nam sẽ giảm mưa từ ngày 2-12 tới khi không khí lạnh ảnh hưởng mạnh hơn xuống phía Nam.

Các tin khác