Mua thực phẩm không rõ nguồn gốc: Cẩn trọng!

(ĐTTCO)-Cho dù đã được cảnh báo, thậm chí phạt hành chính với mức phạt lớn, nhiều cơ sở sản xuất, thậm chí là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn cố tình gắn mác thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không hóa chất cho sản phẩm tự làm để tung ra thị trường, hòng qua mắt lực lượng chức năng và người tiêu dùng. 
Nhận thực phẩm đã mua qua online. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhận thực phẩm đã mua qua online. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Không ít các loại thực phẩm tự chế biến này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó mặc cho… lương tâm người bán

Mấy ngày nay, vụ sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (Hà Nội) có độc tố nguy hiểm làm 9 người sử dụng bị ngộ độc trong tình trạng vô cùng nguy kịch, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng của các sản phẩm thực phẩm được buôn bán trên mạng xã hội.

Thời gian qua, nhằm né tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm do thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, nhiễm hóa chất nguy hại, rất nhiều cơ sở chuyển sang sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được gắn nhãn mác thực phẩm hữu cơ, thực phẩm hand made, thực phẩm xanh… nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Chỉ cần vào Google hay lên mạng xã hội Facebook có thể dễ dàng thấy hàng ngàn sản phẩm thực phẩm được chào bán tràn lan, với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn, hình ảnh đẹp mắt khiến ai cũng muốn mua ngay lập tức. Trong số đó, có rất nhiều sản phẩm chỉ nói chung chung, nguồn gốc chất lượng, thành phần cũng không rõ ràng.

Vốn đam mê mua hàng online, chị Nguyễn Thị Hồng (nhân viên văn phòng, quận 3) thường xuyên đặt mua thức ăn chế biến sẵn qua mạng, từ món ăn vặt đến bữa chính cho gia đình, bởi thực đơn rất phong phú, có các món truyền thống, đặc sản vùng miền...

Nhiều món được chế biến sẵn, chỉ về hâm nóng là có thể dùng. Tuy nhiên, chị cũng nhiều phen hú vía khi đặt những sản phẩm tươi ngon trên mạng lại mang những mặt hàng kém chất lượng. Những lúc gặp tình huống này, chị chỉ dám đổ lỗi do “xui” và tẩy chay cửa hàng đó.

Không chỉ trên các trang mạng xã hội mà tại nhiều sàn thương mại điện tử, thực phẩm nhà làm cũng đã len lỏi vào các sàn với đầy đủ thương hiệu, mẫu mã, chủng loại, nhưng chất lượng thì… hỏi ông trời. Nhiều loại sản phẩm nhà làm bày bán la liệt trên mạng, từ giò, chả, nem, bánh… đến các món đặc sản được đóng hộp quảng bá “ngon, tiện dụng”, chỉ cần trữ tủ lạnh ăn dần trong nhiều ngày.

Nhớ món quê nhà và cũng vì ngại làm những món cầu kỳ, chị Đỗ Thị Thúy (quận Gò Vấp) không ngần ngại đặt với tổng hóa đơn hơn 2 triệu đồng tiền thực phẩm chế biến sẵn để về dùng, nhưng qua đến buổi chiều là phải… đổ bỏ vì sản phẩm đã bốc mùi, thậm chí có những tạp chất len lỏi vào từng thớ thịt.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Người tiêu dùng dù tỏ ý e dè trước chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng lại khá dễ dãi khi chọn lựa thực phẩm trên “chợ mạng”. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, hình thức kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn qua mạng tiềm ẩn các nguy cơ về mất ATTP rất cao, vì hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát.

Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ… không được các cơ quan chức năng thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.

 Mua thực phẩm không rõ nguồn gốc: Cẩn trọng! ảnh 1Thực phẩm không nhãn mác bày bán trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chế biến bán hàng online đều có quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng,… chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào.
"Thực phẩm nhà làm mà bán trên các trang mạng xã hội phải đáp ứng được tiêu chí: tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn dùng của sản phẩm, người làm đáp ứng tiêu chí sức khỏe… để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát được.

Nếu làm để bán thì phải đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và ATTP cho người dân. Tất cả đều được kiểm soát thông qua giấy phép, nếu đăng ký kinh doanh online thì có thể thông qua website của Bộ Công thương.

Người bán có thể công khai giấy phép kinh doanh thông qua trang kinh doanh trên mạng, để người tiêu dùng yên tâm hơn với nguồn gốc sản phẩm bán ra. Nếu không có giấy phép và công bố, trong trường hợp cơ quan quản lý kiểm tra, phát hiện sẽ bị xử lý và tiêu hủy”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Đôi khi khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện và đành “ngậm đắng nuốt cay”. Vì buông lỏng kiểm soát nên người bán vô trách nhiệm với hàng hóa mình bán ra.

Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là hậu kiểm và thanh tra, cho nên những trường hợp đó, cơ quan thanh tra sẽ có trách nhiệm kiểm soát. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải biết bảo vệ mình, thận trọng, không nên chỉ dựa vào hình ảnh quảng cáo, tránh “tiền mất, tật mang”.

Về phía Thanh tra Cục ATTP cho biết, theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất trước khi bán thực phẩm đã qua chế biến phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố đối với cơ quan có thẩm quyền quy định.

Do đó, người tiêu dùng khi lựa chọn mặt hàng cho mình, thực phẩm dù là sản xuất bằng tay hay bằng máy móc vẫn phải đảm bảo đáp ứng những điều kiện quy định. Dù mua hàng ở đâu, đối với những mặt hàng thực phẩm phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhãn sử dụng và được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm buộc phải có địa chỉ, nhãn hàng hóa, thời hạn sử dụng và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền kiến nghị, thậm chí khởi kiện cơ sở bán hàng kém chất lượng.

Ông ĐỖ NGỌC CHÍNH, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam:

Liều lĩnh khi đua nhau bán thực phẩm online

Hiện nay, đã có những quy định để quản lý và kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, phần lớn người dân bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia mua hàng thực phẩm online; nhiều người còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo “có cánh”.

Sự dễ dãi này của người tiêu dùng có lý do chính, từ việc thiếu kiến thức về vệ sinh ATTP. Nếu biết một danh mục các yêu cầu đối với sản xuất hàng hóa thực phẩm, từ việc chứng minh thành phần nguồn gốc đến quy trình sản xuất đóng gói, dán nhãn, quy trình bảo quản, phân phối… đòi hỏi phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe ra sao, thì hẳn người mua sẽ không dễ đặt niềm tin vào những loại thực phẩm không hề được kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó, việc đua nhau kinh doanh thực phẩm online cũng cho thấy cả liều lĩnh của người bán.

Các tin khác