Nâng tầm áo dài Huế

(ĐTTCO) - “Đưa áo dài đến gần cộng đồng hơn, đồng thời tạo tiền đề xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trước khi trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là nội dung được tập trung mổ xẻ tại Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, tổ chức tại TP Huế.

Lai lịch áo dài truyền thống Huế
Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục. Riêng Huế, từng là Thủ phủ xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Tuy nhiên, chưa ai xác định rõ lai lịch áo dài truyền thống Việt Nam bắt đầu từ đâu. Dựa các tư liệu lịch sử, các đại biểu tham dự hội thảo có chung nhận định, sau khi đúc Ấn quốc lên ngôi vương ở Phú Xuân, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong giai đoạn 1738-1765, đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi làm sao cho y phục xứ Đàng Trong khác với Đàng Ngoài của vua Lê, chúa Trịnh ở phía Bắc sông Gianh. 
Nâng tầm áo dài Huế ảnh 1 Giới thiệu áo dài nam truyền thống tại Hội thảo khoa học "Huế-kinh đô áo dài Việt Nam".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là người chủ trương cải cách trang phục dân gian Đàng Trong để tạo ra diện mạo mới của vương quốc. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rằng vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh "Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở". Một số nhà nghiên cứu khác nhìn nhận, nếu Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài, vua Minh Mạng, vị Hoàng đế thứ 2 của Triều Nguyễn, lại có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là Kinh đô áo dài. 
Nâng tầm áo dài Huế ảnh 2 Áo dài truyền thống Huế giới thiệu tại Hội thảo khoa học "Huế-kinh đô áo dài Việt Nam".
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng ở hình thức, còn phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang hưng thịnh. Áo dài trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục của dân tộc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bổ sung, ngoài đặc điểm chung của áo dài Việt Nam, áo dài xứ Huế có những đặc trưng riêng: “Áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con…”.

Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam 
Huế - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện, tạo ra những tà áo dài tinh tế, sắc sảo, cùng đội ngũ thợ may chuyên nghiệp, đã thể hiện rõ vị trí và vai trò áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử. Song làm thế nào để xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, còn nhiều việc phải làm. 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói, để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất cố đô Huế, ngoài vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài trong sinh hoạt, Thừa Thiên - Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, như tổ chức Ngày hội áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia; khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế; xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế; khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế… 
Liên quan chuyện áo dài nam, nhiều người cho rằng, áo dài nữ đặc sắc, nhưng áo dài nam cũng cần được phổ biến nhiều hơn, như là quốc phục của đàn ông Việt. Câu chuyện cách tân áo dài, nhiều ý kiến cho rằng không thể cấm cản vì đó là quyền sáng tạo của nhà thiết kế. Nhưng cần rành mạch gọi đó là áo dài trình diễn, còn áo dài đưa vào hồ sơ trình UNESCO phải có chuẩn. TS. Thái Kim Lan (CHLB Đức) chia sẻ: “Chiếc áo dài đã trải qua nhiều biến đổi và mỗi lần biến đổi đều có nét đẹp riêng. Tôi cũng rất thích sự thay đổi, nhưng với chiếc áo dài, tôi cũng bảo thủ ở chỗ mình phải giữ chiếc áo dài đúng cung cách truyền thống. Tôi đồng tình với việc Huế khôi phục truyền thống mặc áo dài”. 
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, cho biết quá trình nghiên cứu tìm hiểu về chiếc áo dài nam, ông bất ngờ vì đó là chiếc áo dài “ngũ thân” của triều Nguyễn. Việc khôi phục áo dài nam không đâu khác ngoài áo dài của Huế. “Với vị thế là quê hương của áo dài, Thừa Thiên - Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam; tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình gợi mở.
Các nhà nghiên cứu và đại biểu còn đề xuất ý tưởng, định hướng phát triển áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam thông qua việc thành lập “Bảo tàng Áo dài”; tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm trong mỗi người về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa và áo dài Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Địa phương sẽ triển khai các giải pháp khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ các dịp lễ nghi, có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn và khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam”. 

Các tin khác