Nghỉ việc để thay đổi

(ĐTTCO) - Trái với suy nghĩ cần duy trì công việc ổn định, một số bạn trẻ lại quyết định nghỉ việc hoặc khởi nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Dường như sự thay đổi thói quen sinh hoạt, có thời gian để suy ngẫm, khiến bạn trẻ có sự thay đổi.
Quách Duy Thịnh và homestay dân dã của mình ở Bến Tre
Quách Duy Thịnh và homestay dân dã của mình ở Bến Tre

Lùi lại một chút cũng chẳng sao

4 năm làm trưởng nhóm marketing một công ty quảng cáo, P.M.V. (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) quyết định nộp đơn thôi việc sau 2 tuần suy nghĩ. V. nói: “Thu nhập của tôi một tháng cũng 13-14 triệu đồng, có cơ hội rèn tiếng Anh vì hay chốt hợp đồng với khách nước ngoài. Nhưng có nhiều áp lực đến từ những công việc không tên, thiếu sự chia sẻ giữa sếp và nhân viên, và nhận thấy khó phát triển bản thân nên tôi không muốn làm tiếp”.

Khi thông báo cho bạn bè, V. bị coi là “khùng” vì đang lúc dịch bệnh lại nghỉ việc. Nhưng V. cho biết, đang cảm thấy thoải mái, có khoảng lùi để suy nghĩ con đường mình đi.

V. nói: “Thích học tiếng Nhật lâu rồi, nhân dịp này tôi đăng ký luôn. Tôi đang tìm hiểu về đồ họa truyền thông, sẽ chuyển hướng vừa học thêm lĩnh vực này, vừa tìm việc liên quan. Tôi vẫn có việc làm thêm với một số mối quảng cáo cũ”.

V. và một số bạn trẻ khác đã có sự chuẩn bị trước khi nghỉ việc. Trần Thị Ngọc Quyên (29 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ rằng từ khi còn là sinh viên, cô chỉ biết cắm cúi học rồi đi làm.

“Từ hồi làm việc tại nhà, ít tiêu xài, giúp tôi nghĩ thoáng hơn. Tôi nghỉ ngơi vài tháng rồi sẽ kiếm việc phù hợp, không vội vàng lao vào công việc. Hồi trước tôi bỏ bê cả việc ăn ngủ, không có thời gian nghe một bản nhạc hoặc về thăm nhà”, Quyên nói.

Quyên cho biết, một vài người bạn của mình cũng chia sẻ tương tự. Họ cho rằng đây chỉ là nghỉ ngơi tạm thời để thấy quý trọng cuộc sống hơn, không phải là bị nhiễm lối sống hưởng thụ hoặc buông xuôi.

Bạn trẻ ngày nay có những suy nghĩ khác biệt so với thế hệ trước. Khi Quyên viết email tạm biệt, một số đồng nghiệp lớn tuổi lo lắng Quyên sẽ khó tìm được việc mới “thu nhập ổn, công việc cũng nhàn, được nghỉ 2 ngày cuối tuần”, nhưng bạn trẻ này tin mình quyết định đúng.

Theo Quyên, những bạn chủ động nghỉ việc một phần do nhận thấy hết duyên với công ty, mặt khác tài chính không quá eo hẹp, không gánh nặng gia đình, con cái. Bản thân Quyên từng chứng kiến nhiều người dù ngán ngẩm, than rằng công việc không đúng đam mê nhưng vẫn bám trụ có khi 20 - 30 năm.

“Mỗi người mỗi suy nghĩ, tôi thấy những bạn nghỉ việc mùa dịch cũng bình thường. Miễn mình cầu tiến và không ảo tưởng sức mạnh thì sẽ tìm được công việc yêu thích”, Quyên nói.

Rẽ hướng khởi nghiệp

Khởi nghiệp không còn là từ khóa mới mẻ, thế nhưng khởi nghiệp ngay mùa dịch không phải ai cũng dám thử. Sau khi nghỉ việc ở một nhà hàng, Võ Quách Tùng Lâm (21 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cùng chị gái mở quán bún và bánh canh xíu mại, bán cho khách mua mang về, hoặc đặt qua ứng dụng gọi món. Chọn bán món ăn được nấu từ nước hầm xương, xíu mại vo viên, gắn với tuổi thơ ở quê nhà Lâm Đồng, Lâm cho biết, sau 2 tháng tình hình buôn bán đã khá hơn.

“Hai chị em không chạy quảng cáo nên khách đặt một ngày chừng 20-25 tô, đủ duy trì. Món ăn không dùng bột ngọt, ngọt nhờ xương ống và đường phèn nên tôi tin sẽ có nhiều khách hàng ưa thích”, Lâm chia sẻ. Hai chị em dậy từ sớm, loay hoay nấu nướng để 8 giờ sáng bắt đầu mở bán trên ứng dụng. Dù khó khăn ban đầu nhưng bán món yêu thích nên cả hai cho biết không hề nản lòng.

Đang là phó giám đốc một khu nghỉ dưỡng, Quách Duy Thịnh (29 tuổi, quê Bến Tre) quyết định nghỉ việc để công ty đỡ khó khăn trong mùa dịch bệnh.

“Ban đầu tôi cảm thấy chênh vênh, thấy bản thân là người vô ích. Sau đó, tôi vay mượn thêm bạn bè và ngân hàng chính sách xã hội, sửa sang căn nhà ở quê thành homestay và đi vào hoạt động từ đầu năm 2021”, Thịnh chia sẻ.

Khách đến homestay của Thịnh vừa nghỉ ngơi trong không gian miệt vườn, vừa trải nghiệm hái dừa, đạp xe, tìm hiểu đời sống người dân.

Thịnh cho biết: “Do đang tạm ngưng để phòng dịch, tôi tranh thủ cải tạo thêm phòng nghỉ. Làng xóm cũng đồng lòng, vui vì vùng quê hẻo lánh thế này lại có khách du lịch”. 

Rõ ràng, dù nghỉ việc chủ động hay bị động, bạn trẻ cần chuẩn bị tinh thần để không rơi vào hoang mang. Và khi chọn hướng đi mới, bạn trẻ nên có một khoản tích lũy, hoặc công việc làm thêm để đủ chi tiêu một thời gian.

Theo kinh nghiệm của một số bạn, vài tháng đầu các bạn sẽ thấy thư thái vì được tự do làm điều mình thích, không chịu áp lực công việc, nhưng sau đó dễ có cảm giác buồn chán, thừa thãi, hoặc xin việc mới không thuận lợi thì tự ti, chán nản. 

Quách Duy Thịnh chia sẻ rằng, khi có quyết định mang tính bước ngoặt, bạn trẻ phải suy nghĩ thật thông suốt.

“Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cho ta những trải nghiệm vô cùng bất ngờ. Nếu bạn có sự đam mê, muốn bùng cháy cùng điều mà mình mơ ước thì cứ thử dấn thân. Khi đã quyết định, chúng ta phải kiên trì vượt qua khó khăn, rồi sẽ hái được quả ngọt”, Thịnh nói.

Các tin khác