Ngòi bút trẻ và tâm thế làm báo mới

(ĐTTCO)-Chuyển đổi số trở thành chủ đề trọng tâm trong nhiều lĩnh vực, và báo chí - truyền thông cũng không ngoại lệ. Sự chuyển đổi này đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội cho đội ngũ làm báo; trong đó, vai trò của những “ngòi bút trẻ” càng cần được phát huy, khi họ là thế hệ đương thời, trực tiếp tác nghiệp ở thời điểm đánh dấu những bước chuyển đổi trong hành trình làm nghề.
Phóng viên Dũng Phương, Báo SGGP, tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Phóng viên Dũng Phương, Báo SGGP, tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Chia sẻ tại tọa đàm “Làm báo trong kỷ nguyên số” do Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp Đoàn cơ sở Báo SGGP tổ chức vào chiều 20-6, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, bày tỏ: “Trước tiên, chúng ta phải biết thích ứng với chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Thế hệ người làm báo trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để làm nghề hơn so với thế hệ trước, nhưng cũng có không ít khó khăn và thách thức. Người làm báo trẻ cần trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng, bởi thách thức và cám dỗ thì thời nào cũng có, bây giờ có khi còn tinh vi hơn”.

Đồng chí Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Thế hệ người làm báo trẻ hay những “ngòi bút trẻ” hôm nay hãy rèn cho mình đức tính không tự hài lòng, để dặn mình luôn nỗ lực hơn với công việc mỗi ngày. Phát huy thế mạnh của bản thân, học - rèn và dấn thân với nghề nghiệp, nhưng cũng phải biết cách cân bằng cuộc sống và công việc để không rơi vào trạng thái quá căng thẳng và áp lực”.

Tham luận của Đoàn cơ sở Báo SGGP nêu rõ, một trong những thách thức đòi hỏi người làm báo đương thời cần vững vàng, hình thành cho mình bộ lọc, chính là sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, đặt báo chí vào thế cạnh tranh trực tiếp. Thông tin đưa lên mạng xã hội rất nhanh, nhưng đó là quan điểm, trách nhiệm của cá nhân. Với người làm báo, yêu cầu càng cao hơn bởi thông tin của họ mang tính đại diện cho cơ quan báo chí, người làm báo chịu trách nhiệm trước cơ quan, trước công chúng và trước sự ràng buộc của các quy định pháp luật về báo chí.
Bạn đọc vẫn là yếu tố quan trọng mà các cơ quan báo chí chú trọng trong quá trình chuyển đổi số. Nhà báo Võ Hùng Thuật (Trưởng phòng Phát triển sản phẩm, Báo Tuổi Trẻ) phân tích: “Tương lai, bằng những nền tảng mạng xã hội hay các kênh trực tuyến khác nhau, chúng ta truyền tải thông tin đến bạn đọc bằng nhiều hình thức đa phương tiện. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, bạn đọc của chúng ta ở đâu thì chúng ta phải ở đó. Thấu hiểu nhu cầu, mong muốn từ độc giả và đáp ứng được những xu hướng, thị hiếu của họ thì mới giữ chân được người đọc, người xem”.

Một nghiên cứu gần đây của hãng tin Reuters được nhiều trường đào tạo báo chí đưa vào giảng dạy đã nhận định: “Công nghệ đang làm thay đổi hầu hết phương án tác nghiệp truyền thống của bất kỳ cơ quan báo chí, loại hình báo chí nào. Những người làm báo không nắm bắt và sử dụng được công nghệ một cách đa năng, chỉ còn một biện pháp: Đổi nghề!”. Điều này có thể hiểu là nhân sự làm báo vừa phải có chuyên môn nghiệp vụ một cách “lành nghề” nhưng cũng phải biết sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ phù hợp với đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao của độc giả.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu dự tọa đàm, dù sự chuyển đổi hay công nghệ phát triển đến mức nào, báo chí cũng sẽ không bao giờ có thể đi ngược với nhiệm vụ và chức năng vốn có của mình. Trong sự đa chiều, thật ảo lẫn lộn của thông tin ngang dọc trên mạng xã hội, nền tảng cốt lõi để báo chí khẳng định vị thế của mình chính là thông tin đúng sự thật và bản chất sự việc. 

Nhà báo Ngô Quang Trưởng (Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP) nhìn nhận: “Một cơ quan báo chí dù hiện đại và trang bị nhiều công nghệ mới cũng rất khó trong việc cạnh tranh với một mạng xã hội hoặc một trang web có hàng trăm ngàn, hàng triệu, thậm chí đến hàng tỷ người dùng và tham gia tương tác như Facebook hay Twitter hiện nay. Thông tin của chúng ta có thể chậm vài giây, vài phút nhưng đó là những thông tin đủ và đúng bản chất sự việc, để bạn đọc yên tâm và tin tưởng về độ chuẩn xác”. 

Chuyển đổi số trong nghề báo cũng như nhiều ngành nghề khác, có thách thức và cũng không ít cơ hội. Người làm báo trẻ với thế mạnh và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, một tâm thế sẵn sàng để thích ứng và xây dựng cho mình những giá trị nền tảng là điều cần thiết trong hành trình làm nghề.

Ngày 20-6, Thành đoàn TPHCM trao giải thưởng Ngòi bút trẻ lần 10 - năm 2022 cho 32 đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đến tham dự lễ trao giải có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.

Ra đời từ năm 2004, giải thưởng Ngòi bút trẻ do Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM triển khai là một trong những giải pháp hiệu quả, đồng hành và cổ vũ đoàn viên đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí và thông tin cơ sở nỗ lực rèn luyện chuyên môn, tình yêu với nghề báo và đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, cho công tác Đoàn - Hội - Đội và phong trào thanh thiếu nhi thành phố.

Giải thưởng Ngòi bút trẻ năm nay được trao cho 32 cá nhân là đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Báo SGGP có 7 phóng viên được trao giải: Võ Thắm, Mai Hoa, Nông Ngân, Tín Huy, Thu Hương, Thụy Quyên, Kim Loan.

Cùng ngày, Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM trao giải thưởng Ngòi bút trẻ cấp khối. Năm nay, giải được trao cho 30 phóng viên, biên tập viên thuộc Đoàn cơ sở các cơ quan báo đài tại TPHCM. Báo SGGP có 7 phóng viên được trao giải: Mai Hoa, Nông Ngân, Tín Huy, Thu Hương, Thụy Quyên, Anh Thư, Kim Loan.

Các tin khác