Ngổn ngang làng cá La Ngà

(ĐTTCO) - Chúng tôi đến làng cá La Ngà thuộc lòng hồ Trị An (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) khi hoàng hôn đang dần buông xuống và cảm nhận được niềm vui đang trở lại đối với ngư dân sau 2 năm liên tiếp cá chết trắng bè.

 Làng cá đìu hiu năm nào đã thay màu áo mới với hàng trăm bè cá đang được gầy dựng lại, đón chờ mùa vụ thu hoạch mới, nhưng kèm theo đó là những âu lo, thổn thức để phát triển bền vững làng nghề nuôi cá lồng bè.  

Làng cá La Ngà cần sớm được di dời

Làng cá La Ngà cần sớm được di dời

Đổi thay

Trái với cuộc sống ảm đạm của một năm về trước, làng cá La Ngà hôm nay đã nhộn nhịp trở lại. Đứng trên cây cầu nối đôi bờ sông, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống của làng cá. Dưới chân cầu có hàng chục ghe máy với tiếng động cơ rền vang chở cá, chở đá ướp cá cùng đủ loại cây trái lướt nhanh trên sóng nước. Gần đó có khoảng 10-15 ngư dân mồ hôi nhễ nhại, vội vã xách từng giỏ cá diêu hồng, cá lăng, cá chép đầy ắp giao cho khách hàng. Hiện rõ giữa không gian rộng lớn là hàng trăm nhà bè nối tiếp nhau tạo ra một vệt dài trên sóng nước. Trông về phía xa, một vài ngư dân đang thu lưới, háo hức về mẻ cá cuối cùng trong ngày. Tiếng trò chuyện, trao đổi của ngư dân và bạn hàng, tốp trẻ con tụm năm tụm bảy nô đùa rộn vang cả một khúc sông. 

Theo các bậc cao niên trong làng, vào những năm 1989-1990, một số bà con Việt kiều từ Campuchia hồi hương đã tập trung về dòng sông La Ngà hình thành khu làng nổi. Hầu hết bà con đều có quá trình đánh bắt cá trên sông từ khi còn ở Campuchia nên khi về đây, họ lại tiếp tục cuộc sống quen thuộc trên những chiếc bè với nghề nuôi cá bè. Những ngày đầu, làng bè cũng chỉ có vài chục hộ sống rải rác ở hạ nguồn cầu La Ngà, thấy làm ăn được, một số cư dân nghèo miệt sông nước miền Tây cũng kéo về đây lập nghiệp và cao điểm có khi lên đến gần 200 hộ với lượng nhà bè tương ứng.

Chiếc xuồng máy của anh Long (người dân La Ngà) vượt qua những dòng chảy xoáy xiết, luồn qua chân cầu La Ngà đưa chúng tôi ghé thăm làng bè với hàng chục ngôi nhà gỗ lợp tôn lạnh trông chắc chắn. Hầu như nhà nào cũng từ 2 - 10 lồng cá hồng, cá lăng, cá nàng hai góp phần cải thiện thu nhập. Có hộ còn khoe rằng, chỉ tính riêng căn nhà trị giá 300 triệu đồng, 10 lồng cá đang nuôi thì tài sản lên tới vài tỷ đồng.

Màn đêm buông xuống nhanh, gió thổi mạnh. Ánh điện sáng hắt ra từ những nhà trên bè bừng sáng cả một vùng sông nước, xen lẫn tiếng nhạc là tiếng trẻ con học bài. Cuộc sống từng bước đi lên với nhiều nhà hàng nổi trên sông, hàng chục hộ mua sắm thêm dàn karaoke để phục vụ cho những bữa tiệc liên hoan, sinh nhật, đám cưới trong làng. Một sự đổi thay đáng mừng của làng cá La Ngà giữa mênh mang sóng nước Trị An. 

Thổn thức làng nghề

Gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm (xã Phú Ngọc) có 25 năm sống nơi đây, ông từng làm tổ trưởng tổ hợp tác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên sông La Ngà. Ông Khiêm kể, trước đây gia đình có một bè và 10 lồng nuôi cá lăng, cá hồng, mỗi năm thu nhập không dưới 500 triệu đồng nên cuộc sống có phần dư dả. 2 năm trở lại đây, do thiên tai, dịch bệnh và nhà máy xả thải ra sông nên cá chết hàng loạt khiến cuộc sống khó khăn.

Năm 2018, gia đình ông là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất với 10 lồng cá bị chết (trị giá 450 triệu đồng) và được hỗ trợ mỗi lồng cá 28 triệu đồng. Đến năm 2019 có 2 lồng cá chết khoảng 7 - 8 tấn cá lăng, cá hồng nhưng cơ quan chức năng xác định do thiên tai dịch bệnh nên không được hỗ trợ. Cá nuôi bè chết, cá trên sông cũng chết khiến gia đình ông Khiêm không còn nguồn thu nhập.

Để gầy dựng lại lồng cá, ông cùng tổ hợp tác vay Liên minh hợp tác xã Đồng Nai 500 triệu đồng để mua cá giống và thức ăn. Vì sợ cá nhiễm bệnh chết nên ông chỉ duy trì 2 lồng cá và cả nhà phải ủi te bắt cá cơm kiếm sống. Ông than thở: “Gần 30 năm sống với nghề cá, chưa bao giờ cá chết như 2 năm qua. Không thiên tai dịch bệnh, cá vẫn chết hàng loạt khiến các hộ dân lo âu, nửa muốn lên bờ kiếm việc làm khác, nửa còn luyến tiếc nghề cá truyền thống, nhưng cứ tiếp tục đeo đuổi nghề thì rủi ro rất lớn”.

Rời nhà ông Khiêm, chúng tôi gặp anh Lê Minh Đức (ấp 1, xã Phú Ngọc) từ Campuchia chuyển về sông La Ngà sinh sống đã 15 năm nay. Theo lời anh Đức, đợt vừa rồi (năm 2019), gia đình có 2 lồng cá lăng, cá hồng khoảng 4,5 tấn cá bị chết nên không dám đầu tư nuôi ồ ạt, chỉ duy trì 2 lồng cá lăng, cá hồng nhưng phải di chuyển chỗ ở, gầy dựng lại lồng cá. Anh cho biết thêm, vào năm 2002, chính quyền có chủ trương di dời các hộ dân lên bờ, nhưng do sống bằng nghề cá quá lâu việc thích nghi rất khó khăn, nhiều hộ quay lại bè cá mưu sinh. 

Kỳ vọng quy hoạch

Một trong những lý do khiến làng cá La Ngà bị thiệt hại nặng nề là vì mật độ nuôi dày đặc và mưa xuống thay đổi môi trường sống khiến cá thường bị ngộp, thiếu ôxy dẫn đến chết hàng loạt. Để phát triển bền vững nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên sông La Ngà, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, chia thành 8 vùng, với chiều rộng 40 - 1.200m và tổng số lồng bè trên hồ được bố trí, sắp xếp là 618 bè kèm theo 1.236 lồng, phân chia chỉ tiêu số bè, lồng theo điều kiện thực tế từng xã. 

Hiện có 212 hộ đang nuôi cá bè trên sông La Ngà, có 168 hộ phải di dời, trong đó xã Phú Ngọc có 122 hộ, xã La Ngà có 46 hộ với tổng số lồng nuôi phải di dời là 641 (hơn 8,7 triệu con cá). Khu vực cần di dời thuộc đoạn từ suối Tam Bung về đến cầu La Ngà và đoạn từ cầu La Ngà đến Đồi 101. Các hộ nuôi cá bè trên địa bàn huyện sẽ phân bổ về 5 khu vực gồm: suối Tượng, Sa Mách, Hồ, đoạn sông Đồng Nai, đoạn sông La Ngà. 

Tuy kỳ vọng vào đề án nhưng các hộ dân vẫn còn ngổn ngang nỗi lo nên chưa mạnh dạn di dời lồng bè đi nơi khác. 2 năm qua, nhiều hộ phải vay lãi ngoài 200 - 300 triệu đồng nên cần được hỗ trợ tiền đầu tư dựng nhà bè, lồng cá. Làng bè hầu như không có tài sản để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư nuôi cá. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai chỉ căn cứ vào mô hình chăn nuôi để cho vay và cao nhất mỗi hộ cũng chỉ được 30 triệu đồng và nếu di dời làng bè sẽ xa trung tâm, trường học thì chi phí đi lại tốn kém. Vì tâm lý ái ngại nên mới chỉ có 4 hộ di dời địa điểm nuôi. Ngư dân cũng mong muốn cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nước ở các vùng nuôi để an tâm nuôi cá lồng bè, hướng tới sự phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Trị An.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài, mục đích di dời đến vùng nuôi theo quy hoạch nhằm hạn chế thiệt hại do mực nước hồ Trị An đang xuống thấp, cùng với thay đổi thời tiết giao mùa, không để tình trạng cá chết xảy ra hàng loạt như những năm trước đây. Hiện có nhiều hộ đồng tình nhưng vẫn có không ít hộ không chịu đi, nếu sau này các hộ dân vẫn không chịu di dời, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Các tin khác