Người dân TP.HCM sinh đủ 2 con sẽ được hỗ trợ mua nhà?

(ĐTTCO)-TP.HCM đang 'theo đuổi' các chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng, như hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ 2 và hỗ trợ mua nhà ở xã hội 1 lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Cha mẹ đưa hai con đi chơi diều thật hạnh phúc - Ảnh: T.T.D.
Cha mẹ đưa hai con đi chơi diều thật hạnh phúc - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM đang ở trong nhóm 21 tỉnh thành có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước. Thống kê cho thấy năm 2020 tổng tỉ suất sinh của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,53 con, có xu hướng tăng hơn năm 2019 (1,39 con) nhưng chưa thoát khỏi báo động về mức sinh thấp.

Có thể nói chưa lúc nào các cặp vợ chồng, đặc biệt ở các đô thị lớn, lại "sợ đẻ" như hiện nay. Các chuyên gia về dân số đánh giá nếu quá trình này tiếp tục diễn ra sẽ là thảm họa trong tương lai...

Trao đổi về vấn đề này, ông PHẠM CHÁNH TRUNG - chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - nói: "Tại TP.HCM hiện nay xu hướng sinh ít con của các cặp vợ chồng đã rất phổ biến".

* Mức sinh thấp dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

- Kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng một khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn, nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Bất lợi đầu tiên là già hóa dân số. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách, trong khi nguồn ngân sách này đáng ra nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số...

* TP.HCM đã và đang làm gì để cải thiện tổng tỉ suất sinh, thưa ông?

- Không chỉ ở TP.HCM, Việt Nam mà ngay cả nhiều nước trên thế giới câu hỏi này đang là "bài toán" khó vô cùng. TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện đề xuất dự thảo về chính sách dân số giai đoạn 2021 - 2025 trình Hội đồng nhân dân TP.HCM trong kỳ họp gần nhất, có thể cuối năm 2021.

Tuy vậy, trong dự thảo này cách tiếp cận của TP có một số điểm đặc thù so với dự thảo đề xuất của Bộ Y tế về việc hỗ trợ tiền cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở các tỉnh có tỉ lệ sinh thấp. 

Cụ thể TP đang "theo đuổi" các chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng, tập trung vào các vấn đề hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ 2 và hỗ trợ mua nhà ở xã hội 1 lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Song song đó là các giải pháp nhằm giảm gánh nặng kinh tế - xã hội của việc chăm sóc trẻ đối với gia đình như tăng hình thức - thời gian trông trẻ, y tế dinh dưỡng, y tế cho bà mẹ, trẻ em và đề xuất ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...

* Ông có thể nói rõ hơn về chính sách hỗ trợ viện phí và nhà ở xã hội mà TP.HCM đang theo đuổi...

Việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Vì vậy, sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

- Nếu chính sách được thông qua, một người phụ nữ ở TP.HCM khi đến bệnh viện sinh con thứ 2 sẽ được ngân sách hỗ trợ kinh phí đồng chi trả phần còn lại sau khi đã trừ chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán cho lần sinh này. Nội dung này được thực hiện theo khung giá quy định của bảo hiểm xã hội.

Còn về mua nhà ở xã hội sẽ có lộ trình hỗ trợ cụ thể theo từng năm và giải quyết theo các hệ số hỗ trợ cho từng loại đối tượng. Trong dự thảo, chúng tôi đang đề nghị mức hỗ trợ tối đa 1 lần không quá 10% trên tổng giá trị căn nhà theo chương trình nhà ở xã hội cho cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thuộc diện hộ nghèo; không quá 5% cho cặp vợ chồng cận nghèo và không quá 3% với các cặp vợ chồng bình thường.

* Chính sách dân số đang có nhiều rào cản lớn. Với địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp như TP.HCM, liệu có nên mạnh dạn bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch; nên chăng điều chỉnh từ cấm sang khuyến khích sinh con thứ 3 trở lên và nên thay đổi khẩu hiệu từ "mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con" thành "mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình"?

- Với kinh nghiệm từ các nước, cũng như ý kiến của các nhà nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng việc quyết định thực hiện chính sách dân số theo định hướng khuyến sinh cần có sự cân nhắc thật cẩn trọng. Đặc biệt phải dựa trên những mong muốn chính đáng xuất phát từ quyền lợi và nguyện vọng của chính người dân.

Để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất. Bởi đây chính là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.

Các nước có nhiều chế độ khi sinh con

Ở Singapore các cặp vợ chồng đều làm việc nhiều giờ ở văn phòng, chung cư và sân chơi cho trẻ nhỏ hẹp. Để giải quyết một phần vấn đề, Singapore có chính sách tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm thuế nhiều hơn cho các gia đình đông con. Chính phủ còn trợ cấp cho các công ty cho phép nhân viên làm việc linh hoạt, như làm việc từ xa để họ có nhiều thời gian cho gia đình.

Tại Nhật Bản, Hạ viện thông qua Luật nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.

Nam giới Nhật Bản được đăng ký nghỉ phép tối đa 4 tuần, có thể chia thành 2 đợt để chăm sóc vợ sinh con. Họ được hưởng 67% lương trong thời gian nghỉ, do bảo hiểm chi trả. Luật cũng khuyến khích các doanh nghiệp linh hoạt bố trí thời gian làm việc của nhân viên nghỉ việc tạm thời để chăm sóc vợ con cũng như sắp xếp nhân sự làm thay. Các doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 nhân viên phải công bố số liệu về tỉ lệ nam nhân viên nghỉ phép chăm sóc vợ sinh con.

Hàn Quốc có một loạt các chính sách chi mạnh và sáng tạo để khuyến khích các gia đình sinh thêm con khi tỉ lệ sinh con ở nước này chỉ còn khoảng 0,8 vào năm 2021. Năm 2010, Bộ Y tế Hàn Quốc yêu cầu các cơ quan công sở ngừng làm việc từ 19h30 thứ tư của tuần thứ ba hằng tháng "để thúc đẩy sinh sản và chăm sóc con cái".

Nước này có nhiều chính sách khác như tặng 275 USD/tháng cho tất cả trẻ em sinh từ năm 2022, tiền trợ cấp này sẽ tăng dần lên 457 USD vào năm 2025. Các cặp vợ chồng có con dưới 12 tháng tuổi mỗi người có thể được nhận tối đa 2.741 USD trong tiền lương tháng nếu cả hai cùng nghỉ làm 3 tháng để chăm sóc con cái.

Nhiều nước có ngày nghỉ quốc gia với nhiều tên gọi khác nhưng mục đích là để các đôi bạn trẻ được ngừng làm việc, nghỉ ngơi, đi du lịch, hâm nóng tình cảm với hy vọng từ đó xã hội sẽ có thêm nhiều em bé.

Các chuyên gia cho rằng để tăng tỉ lệ sinh một cách thực tế, các chính phủ cần tạo điều kiện để phụ nữ có thể dung hòa giữa công việc và gia đình. Họ cần có nhà ở và giáo dục cho trẻ phát triển tốt nên các chương trình phù hợp không chỉ là tiền, mà là những thứ như nhà trẻ để trẻ phát triển còn cha mẹ thì tự tin là họ có thể trở lại công việc.

"Nếu không thể làm điều này, phụ nữ sẽ không dám sinh con" - ông Steven Philip Kramer, giáo sư tại Đại học Quốc phòng quốc gia Mỹ, nhận định.

Các tin khác