Nhớ Tết quê...

(ĐTTCO) - Gần 20 năm, từ ngày xa quê, tôi đã không còn được xem hội đua thuyền vào sáng mùng 2 Tết ở quê tôi. Công việc, khoảng cách cứ cuốn tôi đi, để gần 20 năm rồi, nỗi nhớ Tết quê cứ đau đáu trong lòng…
Lễ hội đua thuyền ở Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: MẠNH HÙNG
Lễ hội đua thuyền ở Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: MẠNH HÙNG
1. Quê tôi xưa là xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Là mảnh đất ven biển, quê tôi luôn đậm đặc mùi cá nướng, mùi biển mặn mòi trong tâm trí những đứa con ở xa.
Trước là biển, sau là sông, gần như người dân quê tôi sống nhờ vào Mẹ biển. Quỳnh Phương có sản lượng đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh Nghệ An. Người ta ví, nhánh Bắc sông Hoàng Mai chảy vòng quanh phía Tây làng đổ ra cửa biển ở phía Đông - Bắc, tạo nên hình dáng làng Quỳnh Phương như một cù lao nơi cửa biển…
Dân vùng biển, nên ký tức tuổi thơ của tôi gắn liền với cửa sông, cửa biển, với những con thuyền, mũi tàu, bè lưới, mớ cá chúng tôi “ăn mót” được. Tuổi thơ những đứa trẻ làng biển cứ thế lớn lên, sâu đậm bao kỷ niệm gắn với bờ cát, con sóng, mũi thuyền…
Nhưng trong ký ức của tôi hồi nhỏ, cũng như mãi đến sau này, khi học cấp 2, cấp 3, cả khi là sinh viên, tức trước khi xa quê, tôi yêu nhất, thích nhất, sướng nhất là rạng sáng mùng 2 Tết tôi được cùng cha đi xem lễ hội đua thuyền. 
Cứ sáng mùng 2 Tết, dân Quỳnh Phương lại nô nức tổ chức hội đua thuyền. Cha tôi nói lễ hội đua thuyền thường để cầu mưa thuận gió hòa, cầu được mùa đánh bắt, cầu no ấm. Hội đua thuyền cũng nhằm biểu diễn sức mạnh trai tráng vùng biển - sức mạnh chinh phục biển khơi.
Tầm 4 giờ  sáng, khắp làng trên xóm dưới đã nghe tiếng loa, tiếng gọi nhau râm ran đi xem lễ đua thuyền. Rõ nhất là tiếng cán bộ thôn đi gọi các thành viên xuống thuyền. Nhiều năm, khi trời còn chưa sáng, tôi đã theo cha đi gọi họ. Tất cả xuống bến, lên một chiếc thuyền to.
Ở đó đã có các bà các mẹ đến từ trước đang nấu cơm để các thành viên trong đội ăn lấy sức trước khi vào trận. Tiền bữa cơm đó cũng như bữa liên hoan sau khi hoàn thành cuộc đua (dù thắng hay thua) do bà con chòm xóm đóng góp cho đội đua. 
Mỗi thôn là một đội đua thuyền. Cuộc đua thuyền thường chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng các đội đã phải chuẩn bị hàng tháng trước ngày đua. Họ chuẩn bị từ cái chèo, cái mõ đến bộ quần áo. Nhưng quan trọng nhất là khâu chọn thành viên đội đua thuyền.
Các thành viên đội đua thuyền phải là trai tráng khỏe  mạnh, thạo sóng nước, đặc biệt phải chọn được người chèo lái ở mũi thuyền thực sự xuất sắc. Rồi cần người cầm cờ và người cầm mõ để phát lệnh khua quân.
Mạn thuyền có những người cầm dầm để bơi, đuôi thuyền có những người chèo lái. Người chèo lái ở mũi thuyền thường là ngư phủ có tuổi, lão luyện sóng nước, tinh thông kỹ nghệ chèo thuyền và nghệ thuật chỉ huy phối hợp. Người chèo lái là linh hồn của toàn đội, đó là người uy tín.
Tôi ngồi trên con thuyền đã được trang hoàng lộng lẫy, cùng đội đua xuôi dòng sông Mai tiến về phía trước cửa Đền Cờn - một trong 4 ngôi đền cổ xưa và linh thiêng nhất xứ Nghệ, nơi tập trung các đội đua.
Những trai tráng vừa ăn cơm vừa bàn thảo về trận đua sắp tới. Khi có lệnh, các thuyền đua xuất phát. Hai bên bờ sông dân làng đứng xem vỗ tay reo hò cổ vũ. Thuyền đua tới đâu, người dân chạy rần rần tới đó để xem. Một cảnh tượng vui vẻ, náo nức chưa từng có diễn ra vào sáng mùng 2 Tết hàng năm ở quê tôi như vậy đó.
 
2. Bao năm, nỗi nhớ của tôi cứ chập chờn hình ảnh những màn đua đẹp mắt của các thuyền đua trên sóng nước Mai Giang. Những cánh tay chèo nổi cơ bắp khỏe khoắn, rắn chắc, quyết đoán của những chàng trai làng biển.
Giữa tiết trời lạnh giá mà mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt, vì họ phải dồn quá nhiều sức để chèo thuyền. Những bước chân rầm rập của người xem chạy về phía thuyền đua đi tới, những ánh mắt háo hức, những nụ cười rạng rỡ, những tiếng cổ vũ hò reo, đánh trống, gõ mõ đầy hối thúc...
Tôi nhớ hình ảnh những người cha công kênh con trên vai để xem cho rõ. Tôi cũng nhớ hình ảnh những cô nàng xúng xính áo quần đẹp nhưng vì mê xem mà cố nhón chân nhìn thuyền bơi, rồi có cô xảy chân lăn tõm xuống sông, báo hại trai làng phải nhảy xuống vớt lên, ướt sũng, rét mướt. Tất cả cứ làm tôi nhớ hoài, nhớ mãi khôn nguôi, nhớ da diết lễ đua thuyền quê mình…
Với hội đua thuyền, nhà vô địch là sức mạnh của nghệ thuật phối hợp. Thôn tôi nhiều năm giành vô địch. Tết nào ngư dân và người dân đội giành giải nhất đều tin rằng năm đó biển được mùa.
Có năm vì kinh tế khó khăn, Tết đến quê tôi không tổ chức đua thuyền, năm đó cái Tết như mất đi hương vị. Vì thế, hội đua thuyền đã trở thành biểu tượng của Tết quê tôi, thiếu nó như thiếu đi toàn bộ linh hồn Tết quê.
Bởi không chỉ đơn thuần là cuộc thi đua thuyền, mà là bản sắc của làng biển Quỳnh Phương, là khát vọng đón năm mới trời yên biển lặng, khát vọng chinh phục thiên nhiên, khát vọng biểu dương lực lượng đoàn kết để cùng nhau vươn khơi bám biển, làm giàu cho quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Hội đua thuyền chỉ diễn ra khi Tết đến xuân về, nên nó là nỗi nhớ trong tâm khảm của người dân xa quê, trong đó có tôi. Trước đây, khi chưa có các công nghệ liên lạc hiện đại như bây giờ, cứ mồng 2 Tết tôi lại căn giờ gọi cho cha hỏi kết quả đua thuyền. Năm nào cha báo thôn tôi vô địch, tôi lại nhảy cẫng lên sung sướng.
Vài năm trở lại đây, khi mạng xã hội phát triển, các bạn trẻ quê tôi cập nhật thường xuyên hình ảnh, kết quả thi lên mạng, nhờ đó tôi cũng cảm thấy như được “xem đua thuyền” ở quê mình. Có lẽ nhờ thế, nỗi nhớ trong tôi cũng đỡ khắc khoải, day dứt hơn một chút…

Các tin khác