Những mầm xanh từ tình yêu thương

(ĐTTCO) - 2 tuần qua, những người thực hiện chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã đến các ngõ hẻm ở quận 7, Tân Bình, Phú Nhuận… để kịp thời gặp gỡ, động viên và trao hỗ trợ cho các thai phụ hoàn cảnh khó khăn. 
Các chị, đa phần là công nhân, người lao động tự do thất nghiệp nhiều tháng liền, số tiền dành dụm cho kỳ sinh nở cạn kiệt, nhiều thai phụ còn bị mắc Covid-19. Giữa lúc cuộc sống lâm vào khó khăn, họ đã nhận được sự trợ giúp kịp thời. 

Kịp giúp lúc ngặt nghèo 

21 giờ, số điện thoại đường dây nóng chương trình Đồng hành vượt cạn nhận được cuộc gọi xin trợ giúp. “Mong chương trình giúp đỡ, em mang thai gần 9 tháng, sắp đến ngày sinh mà nay không còn tiền”, chị là Đỗ Thị Quỳnh Nhi, đang trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TPHCM).

Biết đến chương trình do một người ở cùng khu trọ đọc báo thấy và giới thiệu. Hỏi thông tin và hướng dẫn chị các thủ tục cần thiết, cúp máy, người trực đường dây nóng thấy có chút bất an, bởi trong lúc trò chuyện, chị Nhi húng hắng ho, đôi lúc giọng lạc đi.

Bấm máy gọi lại, “Em trực đường dây nóng chương trình Đồng hành vượt cạn đây. Chị có đang mệt hay bệnh trong người không?”. Đầu dây bên kia bật khóc: “Em mắc Covid-19 rồi chị. Chồng và con trai hơn 4 tuổi của em cũng dính. Em đang bị các cơn sốt, ho hành mấy ngày nay”. 

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ gia đình chị Nhi đang sinh sống tại đường số 4, khu phố 4, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân). Trong căn phòng nhỏ cuối khu nhà trọ, chồng chị Nhi đang chuẩn bị bữa cơm trưa, chỉ có ít rau muống và vài quả trứng. Trên chiếc ghế bố ngoài hành lang nhỏ hẹp, chị Nhi vừa dứt cơn ho. “Mấy ngày nay em nằm ngoài đây vì sợ mình nhiều virus, lây cho con thì tội”, chị Nhi phân trần. Phát bệnh hơn 1 tuần, những cơn ho làm chị kiệt sức. 

Những mầm xanh từ tình yêu thương ảnh 1Đại diện Báo SGGP đến phòng trọ động viên, trao chi phí hỗ trợ đến thai phụ Đỗ Thị Quỳnh Nhi

Hồi chưa có dịch, chị Nhi đi bán quần áo dạo ngoài đường, chồng làm thuê. Không dư dả nhiều nhưng cũng đủ sống và cho con đi nhà trẻ. Nhận 3 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình Đồng hành vượt cạn và những lời chúc bình an, khỏe mạnh, nước mắt chị Nhi lăn dài. Chị nói mình khóc vì mừng, bởi chị không ngờ được chương trình hỗ trợ chi phí cho kỳ vượt cạn sắp tới. 

Biến trăn trở thành chương trình thiết thực

Điện thoại chúng tôi nhận được tin nhắn zalo của Trần Huyền Trân, chị ơi, nay con em được 22 ngày rồi. Mẹ con em khỏe, bé bú giỏi, ngủ ngoan lắm chị. Kèm dòng tin nhắn là tấm hình bé gái nhoẻn cười xinh xắn. Huyền Trân là trường hợp mẹ bầu được những người làm Báo SGGP hỗ trợ chi phí đi sinh trước khi chương trình Đồng hành vượt cạn ra mắt. 

Hơn 1 tháng trước, chúng tôi gặp Trân trong căn phòng trọ nhỏ tại phường Bình Hưng Hòa B. Trân đang xếp lại mấy bộ quần áo trẻ con. “Quần áo này các chị phụ nữ gửi cho em. Dịch bệnh nên em nghỉ làm hơn 3 tháng nay, đâu có tiền sắm đồ đi sinh”, ánh mắt Trân đượm buồn.

Hỏi ra mới biết, Trân rất lo lắng bởi gần đến ngày sinh mà trong túi chỉ còn tròm trèm 1 triệu đồng. Rời xóm trọ nghèo, chúng tôi nhớ hơn 4 ngày trước, chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân may tại huyện Hóc Môn điện thoại nhờ tư vấn cách để được về quê ở Sóc Trăng, bởi chị đã gần ngày sinh con.

“Về quê, cách ly em cũng chịu. Khi ấy có trở dạ trong khu cách ly cũng có bác sĩ lo giúp, chứ em chỉ có một mình lại không có tiền đi sinh”, chị Hạnh tâm sự. Hình ảnh Trân với chiếc bụng bầu to trong phòng trọ nhỏ xíu, ẩm thấp cùng lời nói của chị Hạnh khiến chúng tôi trăn trở suốt những ngày sau đó. Vậy là những phần hỗ trợ khẩn cấp được Báo SGGP gửi đến Huyền Trân đúng lúc em vào sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. 

Ngày 10-9, niềm vui, mong muốn hỗ trợ nhiều thai phụ khó khăn trở thành hiện thực khi chương trình “Đồng hành vượt cạn” do Báo SGGP cùng các đơn vị thực hiện chính thức ra mắt. Gần 5,4 tỷ đồng được các đơn vị đồng hành đóng góp trong ngày khởi động sẽ giúp con số hỗ trợ dự kiến ban đầu chỉ 1.000 chị em đã tăng lên rất nhiều.

Nói chân tình như bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đây là một chương trình nhân văn và rất kịp thời đối với hoàn cảnh các thai phụ trong dịch Covid-19. Theo bà Dung, cái chương trình trao đi không chỉ là tiền, đó còn là tinh thần, là sự chăm sóc chu đáo, tận tình bằng cả yêu thương.

Sau gần nửa tháng phát động, đến nay chương trình “Đồng hành vượt cạn” (do Báo SGGP tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Hội Hộ sinh TPHCM phối hợp, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ Doanh nhân TPHCM (HAWEE), Quỹ Công tác xã hội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Trọng Bình đồng hành tài trợ) đã trao 100 phần quà cho 100 thai phụ hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã tiếp nhận hơn 500 trường hợp đăng ký tham gia. Không chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng/thai phụ, chương trình còn tư vấn, hỗ trợ thủ tục cần thiết trong quá trình thăm khám thai, sinh nở của thai phụ.

Các tin khác