Nỗi khổ đón xe ở sân bay: Tài xế xe công nghệ tung hứng giá cả

(ĐTTCO)-Hành khách không đón được taxi ở sân bay, xe công nghệ đã được dịp "ăn theo" khi tài xế tắt app chạy cuốc ngoài với giá cước cao 3 - 4 lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hỗn loạn giao thông ở sân bay mấy ngày qua.
Lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vẫn rất đông trong ngày đầu tiên cả nước quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết kéo dài - Ảnh: TỰ TRUNG
Lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vẫn rất đông trong ngày đầu tiên cả nước quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết kéo dài - Ảnh: TỰ TRUNG

Tình cảnh lộn xộn ở khu vực đón xe từ trong sân bay Tân Sơn Nhất đến ngoài đường Trường Sơn (TP.HCM) đang là nỗi ám ảnh với hành khách trong những ngày Tết.

Quá khổ khi đón xe ở sân bay

Thực tế, cảnh hỗn loạn giành giật taxi đã xảy ra trầm trọng từ ngày mùng 3 đến mùng 6 Tết. Các hãng taxi được phân luồng, xếp tài từng xe trong làn xe đến nay đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, loại hình xe công nghệ hoặc "cò" tự nhận tài xế xe công nghệ câu dắt khách đang hoạt động rầm rộ ở khu vực nhà xe và cây xăng trước cổng sân bay.

Bước vào sảnh đón taxi ở sân bay, có nhóm người đàn ông thay phiên nhau í ới khách, chào mời đi xe công nghệ. Nếu khách đồng ý, họ liền dẫn khách tới cầu thang bộ và có người từ phía trên lầu 3, 4, 5 trên nhà để xe xuống dẫn khách. Đây cũng là khu vực mà xe công nghệ chưa ký hợp tác với sân bay như Grab Car, Go Car hoạt động.

"Ra khỏi nhà ga, tôi bật app đặt xe, trên app hiển thị ôtô ở quanh khu vực khá đông nhưng rất lâu mới có tài xế nhận cuốc. Vừa nhận xong, tài xế gọi điện nhờ hủy. 

Hủy xong họ lại gọi lại kêu tôi lên tầng 3 đợi. Lúc đặt từ sân bay đến đường Phạm Văn Đồng giá 250.000 đồng, nhưng lên xe tài xế báo 400.000 đồng mới chở. Tài xế chơi chiêu này thì khách hàng như chúng tôi lãnh đủ" - chị Mỹ Chi (quê Quảng Nam, ngụ TP Thủ Đức - TP.HCM) cho biết.

Cần tổ chức lại xe công nghệ, xe buýt

Đại diện một hãng xe công nghệ lý giải nhu cầu đặt xe bất ngờ tăng đột biến trong những ngày sau Tết Nguyên đán khiến hãng và tài xế "trở tay không kịp". 

Trước tình hình này, hãng khuyến khích tài xế đón khách ở khu vực này, áp dụng chính sách tăng tiền thưởng cho tài xế. Tuy nhiên, hỏi đến trách nhiệm của hãng trong vấn đề kiểm tra tài xế tắt app chạy cuốc ngoài, o ép khách hàng, các ứng dụng đều né trả lời hoặc hứa kiểm tra lại.

Đại diện BeGroup cho biết hành khách đặt xe qua ứng dụng của hãng dễ dàng đón được xe khi có làn xe riêng đón khách tại làn B - ga quốc tế. Tại đây, có người điều phối xe. 

Ngay từ đầu phân luồng xe, Be đã tiến hành hợp tác ký hợp đồng với Tân Sơn Nhất để bố trí làn riêng đón xe. Tuy nhiên, Grab hiện vẫn chưa rõ thông tin hợp tác với sân bay để có làn xe riêng nên khách muốn đón phải lên tận lầu 3, 4, 5 ở nhà xe TCP.

Nhiều chuyên gia giao thông đề nghị Tân Sơn Nhất cần lên phương án bố trí chủ động về làn xe, tổ chức giao thông nội cảng phù hợp để tránh tình huống cao điểm kẹt tới kẹt lui. 

Trong lúc ngành hàng không, du lịch, vận tải đang nỗ lực "lấy lại những gì đã mất" sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, việc chủ động tổ chức bài bản, luồng lối rõ ràng để khách hàng đi lại thuận tiện là điều cần làm nhanh chóng ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Thiếu giải pháp quản lý vì lợi ích hành khách

9b

Khu vực đón taxi công nghệ tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 9-2 đã bớt quá tải - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hỗn loạn giao thông trước cửa sân bay, hành khách bị "chặt chém" không phải là chuyện mới. Và cảnh này sẽ tái diễn nếu vẫn thiếu giải pháp mạnh trong quản lý, giải pháp dung hòa lợi ích các bên.

Thực tế là không có đủ xe taxi đón khách trong những ngày lễ Tết. Thiếu xe là một lý do, nhưng sâu xa hơn là thiếu trách nhiệm với nhau. Khi hãng xe công nghệ thu tiền app không đóng góp tiền "mua bến" ở sân bay, làm sao tài xế đường hoàng đón khách sân bay? Taxi công nghệ rất đông nhưng không được ưu tiên, mấy ngày này tài xế hoặc chạy dịch vụ xa hoặc tắt app tự đón khách bên ngoài theo kiểu thương lượng giá.

Và hành khách luôn chịu thiệt khi tài xế muốn o ép với giá "chát". Thực tế này cho thấy không thể có sự "thuận mua vừa bán". Các hãng xe không sợ mất mát gì khi hành khách nổi giận, vì sao? Vì kiểu gì hành khách cũng sẽ buộc phải đi, phải chấp nhận dù có bị bắt chẹt. Tình trạng này còn tệ hơn cả chuyện độc quyền taxi, vì nếu có độc quyền vẫn còn có đơn vị chịu trách nhiệm.

Không thể thả nổi để các bên tự điều chỉnh. Không có sự tự điều phối trong câu chuyện này. Nhất là khi giá cả chưa thể được kiểm soát. Thiếu xe, không thể trách những người lái xe công nghệ đi xe của họ, họ có thể nghỉ khi cần, họ tự kiếm cách để có thu nhập tùy theo cơ hội và sự tử tế của từng người.

Trong chuyện này, chống sự trục lợi, để giải tỏa ấm ức của hành khách, cần một giải pháp quản lý đủ mạnh và tập trung từ Nhà nước. Khó có thể ngồi chờ thiện chí từ các hãng xe. Đây là lúc thấy rõ nhất sự cần thiết phải có bàn tay quản lý từ chuyện phân luồng tuyến đến giá cả.

Giải pháp nào cũng có thể đụng chạm lợi ích bên này bên kia. Vậy nên chọn giải pháp vì số đông hành khách và vì trật tự giao thông ở sân bay, tạo thuận lợi hơn cho tài xế và hành khách.

Các tin khác