Nỗi lo từ“tin xấu”

(ĐTTCO) - Tại một quán trà sữa trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, nhóm bạn trẻ ngồi “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chủ yếu là chuyện cướp, giết, tai nạn, giang hồ hoặc về những clip hài nhảm trên mạng xã hội. 
Chỉ cần trong nhóm có một bạn nói rằng mình không biết về thông tin ấy, cả nhóm liền chê trách: “Vừa ở đâu rớt xuống đó, người ta rần rần sáng giờ, gia nhập hội người tối cổ đi nha”.
Cách đây chưa lâu, ngay sau vụ phản ứng của khách với cung cách phục vụ tại khu nghỉ dưỡng cao cấp A. (Mũi Né, Bình Thuận), cộng đồng mạng đã rủ nhau tấn công khu nghỉ dưỡng này thông qua những trang đánh giá và đặt phòng. Nhưng vấn đề ở đây là đã có rất nhiều lượt đánh giá đến từ những người chưa từng một lần đến đây. Hành động ảo tưởng vô hại đã gây ra một tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến những nơi cung cấp dịch vụ, không chỉ A.
Nỗi lo từ“tin xấu” ảnh 1 Mở các trang báo mạng là đầy rẫy thông tin án mạng, đâm chém… 
Tại một khu nghỉ dưỡng khác ở Mũi Né, nhân viên phục vụ nhiều lần bất lực với những vị khách hàng luôn thủ sẵn chiếc điện thoại ở chế độ quay phim trên tay và luôn miệng đưa ra những yêu cầu hách dịch. Thanh Nhân, nhân viên phục vụ của khu nghỉ dưỡng L.S Mũi Né, tâm sự: “Làm dịch vụ vốn đã là làm dâu trăm họ, giờ lại càng khổ hơn khi khách hàng cứ lăm lăm chiếc điện thoại trên tay. Cách đây 3 hôm, có một nhóm bạn trẻ gồm 6 người đến đây nghỉ dưỡng. Từ lúc đặt chân vào quầy lễ tân, một vị khách nữ trong nhóm đã liên tục hạch sách nhân viên, thỉnh thoảng còn dí điện thoại vào mặt lễ tân và phục vụ. Chưa dừng lại ở đó, sau khi nhận phòng, nhóm bạn đó còn 2 lần yêu cầu đổi phòng không nêu lý do. Vì không muốn bị lên sóng khiến công việc và khu nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng, quản lý đành phải đổi cho họ view biển nhưng vẫn để giá phòng view vườn. Và trong suốt 3 ngày mà nhóm khách ở tại khu nghỉ dưỡng, chúng tôi cũng đã không ít lần bị hành”.
Có một thực tế là người trẻ hiện rất quan tâm tới “tin xấu” và cũng vì vậy, loại tin tức chẳng mấy hay ho này luôn có đất sống. Chị Nguyễn Ngọc Bảo Tr., chủ mục của một trang tin được nhiều bạn trẻ chọn đọc cho biết: “Những tin tức, bài viết mang tính chất tiêu cực, kịch tính thường sẽ có lượt xem và lượt chia sẻ rất cao. Nên chỉ cần một tin tức được cộng đồng mạng quan tâm, chúng tôi sẽ liên tục khai thác về vấn đề đó.
Trang tôi cũng như rất nhiều trang khác thường xuyên phải chạy theo những thông tin trên mạng xã hội, đôi khi có quá nhiều tin tức tiêu cực, nhưng vẫn phải đưa vì để thu hút bạn đọc. Việc này cũng khiến các bạn trẻ lười làm những tin bài về người tốt việc tốt, vì lượt xem thấp hơn đáng kể. Ví dụ như một tin về 4 bạn trẻ Việt Nam lọt vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật châu Á năm 2019, sau 3 ngày đăng tải lại có số view thấp hơn tin về một “giang hồ mạng” vừa được đăng tải cách đó 3 giờ”.
Không ít sinh viên báo chí hiện nay cũng đã có xu hướng theo đuổi những tin bài tiêu cực với quan niệm đã làm báo cho người trẻ đọc thì phải theo nhu cầu của người trẻ. Ngọc Liên, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, chia sẻ: “Thực tập tại một trang tin điện tử nên tất cả các tin bài tôi thực hiện đều được chia sẻ trên trang cá nhân.
Có lần, tôi đi chơi cùng nhóm bạn học cấp ba, các bạn khoe là đọc nhiều tin bài tôi viết lắm, nhưng toàn nói về những tin như cướp, giết, tai nạn giao thông, giang hồ… Còn khi tôi hỏi tin bài về tấm gương cứu bạn đuối nước, gương vượt khó học giỏi thì các bạn nói, đó toàn là “gương con nhà người ta”, xa vời lắm, cho qua đi. Có lúc tôi nghĩ, viết tích cực mà không ai đọc thì viết làm gì, lượt xem thấp thì nhuận bút cũng thấp”. 
Rõ ràng, “tin xấu” được khai thác và lạm dụng trong cuộc sống đang là một tin xấu thực sự trong việc giáo dục chân - thiện - mỹ cho người trẻ hiện nay hiện nay.
 Thông tin xấu không chỉ “phủ sóng” dày đặc trên mạng xã hội, mà ngay cả những tờ báo giấy, các ấn phẩm, cũng là đất của những thông tin giật gân, câu khách này. Một ấn phẩm của báo C. phát hành vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần, có nhiều phóng sự dài kỳ nói về các vụ án với tình tiết rùng rợn. Trong một ngày, 7 tin rao ở trang bìa thì có đến 4 tin là những vụ án. Nội dung có 24 trang, có đến 16 trang chứa tin, bài về các vụ án, tội phạm… có tình tiết ly kỳ, ghê rợn.
Có nhiều ngày, báo Đ. với 24 trang nội dung thì có đến 19 trang chứa những tin, bài, phóng sự giật gân về các vụ án mạng. Riêng trang 3, với 7 nội dung thì có đến 6 nội dung là các vụ thảm án.

Các tin khác