Phạt “nóng” hay “nguội”, vấn đề không do công nghệ

(ĐTTCO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt đề án “đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” từ năm 2021-2050.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đề án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỷ đồng, trong các mục tiêu hướng tới có mục tiêu “phạt nguội” theo đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an. Câu chuyện này được nhiều người quan tâm bởi tiêu cực trong lực lượng CSGT là vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhiều năm qua.
Xử phạt bằng hình ảnh qua camera là chuyện phổ biến ở hầu hết các quốc gia phát triển. Dùng hệ thống camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông khiến người tham gia giao thông hiểu rằng họ cần chấp hành luật lệ 24/7, ở hầu hết mọi cung đường chứ không phải tình trạng nơi có CSGT thì chấp hành, còn không thì “xả cửa” vi phạm mà không lo bị phạt. Cách làm này cũng giúp cho hình ảnh lực lượng CSGT dần thay đổi, thay vì lập chốt, trạm tuần tra kiểm soát và có thể dẫn đến xảy ra tiêu cực gây bức xúc cho người dân.
Vấn đề hiệu quả và tính khả quan về mặt khoa học kỹ thuật vốn không cần phải bàn cãi. Vậy, có điều gì còn phân vân, trăn trở? Một câu hỏi vốn được đặt ra là mục đích của việc lập chốt tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng là chính hay để xử phạt là chính? Hầu hết câu trả lời chính thức từ phía người có thẩm quyền sẽ là: Cả hai, các biện pháp phải đồng bộ, thống nhất mới đạt kết quả cao. Điều đó là không thể phủ nhận nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.
Thực tế, người dân luôn thắc mắc: Khi ùn tắc giao thông xảy ra, vào giờ cao điểm thì bao nhiêu phần trăm cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT có mặt tại các “điểm nóng” để điều tiết, phân luồng giao thông? Nếu lực lượng này tham gia thực chất, đầy đủ trách nhiệm thì liệu có cần thêm bảo vệ dân phố, dân phòng, thanh niên xung phong phải ra đường làm nhiệm vụ hỗ trợ điều tiết hay không?
Còn nhớ, nhiều năm trước, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, từng nói đại ý rằng: “Ngoài đường không hiểu có cái gì mà nhiều người cứ xung phong ra đứng đường”. Từ đó tới nay, nhiều năm đã qua, nhiều lần hô hào, đấu tranh phòng chống tiêu cực đã được triển khai nhưng liệu thực trạng đã thay đổi bao nhiêu so với trước?
Giờ đây, việc xử phạt bằng hình ảnh, giảm thiểu việc lập chốt, trạm CSGT tuần tra kiểm soát trực tiếp cần được xác định là mục tiêu cần phải thực hiện hay không, chứ không còn là có thể thực hiện hay không. Bởi vì, khi xác định cần triển khai, toàn xã hội sẽ đồng lòng cùng lực lượng chức năng tìm giải pháp, mà giải pháp thì không thực sự khó. 
Hiện nay, một số tuyến cao tốc trong cả nước đã được lắp đặt camera như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Trung Lương, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đã “phạt nguội” hơn 120.000 trường hợp trong năm 2020. Ngoài ra, Hà Nội và TPHCM cũng đã tiên phong “phạt nguội”. Điểm tích cực là số vụ “phạt nguội” đang ngày càng tăng. Tại TPHCM, năm 2019, tỷ lệ “phạt nguội” chiếm 15%-20% tổng số vụ vi phạm giao thông và năm 2020 đạt 36%.
Qua hiệu quả từ việc xử lý bằng hình ảnh nên Hà Nội đang đề xuất lắp thêm hơn 1.000 camera. TPHCM đang hoàn thiện việc xử phạt qua hình ảnh và Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM đã đưa ra mục tiêu đến năm 2022, hầu hết lỗi vi phạm sẽ được xử lý bằng công nghệ, tỷ lệ 80%-90%. Thành công bước đầu trong “phạt nguội” ở một số tuyến cao tốc và tại Hà Nội, TPHCM càng thêm cơ sở cho việc mở rộng hình thức này trong toàn quốc, như đề xuất của Cục CSGT.

Các tin khác