Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc

(ĐTTCO) - Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam ra đời từ một cảm xúc hạnh phúc sau bàn thắng vàng của danh thủ Trần Minh Chiến trong trận bán kết SEA Games 1995. Qua thời gian, cảm xúc ấy đã trở thành những giá trị làm nên một thương hiệu đặc biệt trong làng bóng Việt Nam.
Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc
Hôm họp báo giải thưởng QBV Việt Nam 2020, nhiều đồng nghiệp báo chí đã chia sẻ sự khâm phục đối với những nhà tổ chức, khi mà trong khó khăn của dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, giải thưởng QBV Việt Nam “vẫn đầy đủ các nhà tài trợ quen thuộc, thậm chí còn tăng lên”. Trưởng Ban tổ chức giải,
Phó Tổng biên tập báo SGGP, nhà báo Nguyễn Nhật cũng đã có những trải lòng: “25 năm qua chúng tôi không ít lần đối diện với những khó khăn, nhưng chưa bao giờ, chúng tôi phải nhìn lại phía sau. Cứ mỗi mùa giải, báo SGGP luôn nghĩ đến việc phải làm sao cho giải thưởng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, giàu sức sống hơn. Chúng tôi xem đó là trách nhiệm của mình với nền bóng đá chứ không nghĩ rằng đây là một sự kiện đơn thuần của báo. Rất may mắn cho chúng tôi, giải thưởng đã là một thương hiệu uy tín, nên vì thế cũng nhận được sự chung tay góp sức của nhiều doanh nghiệp yêu bóng đá”.
Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc ảnh 1 Văn Quyết lần đầu giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.
Ở khía cạnh marketing, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị của một thương hiệu, đó là tính duy nhất. QBV Việt Nam đã sở hữu điều đó gần 2 thập niên qua. Bóng đá Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, nhưng tính đến nay, QBV Việt Nam vẫn là danh hiệu cá nhân duy nhất dành cho những cầu thủ.
Không chỉ thế, từ năm 2016 đến nay, giải thưởng đã mở rộng đầy đủ các hạng mục, để không có bất kỳ cầu thủ nào đang chơi bóng chuyên nghiệp ở bộ môn nào trong bóng đá mà không được ghi nhận.
Chính sự toàn diện ấy, là cơ sở đáng tin cậy để các doanh nghiệp, nhãn hàng trao gởi những thông điệp cộng đồng, xã hội của mình thông qua việc tài trợ mà hầu như không cần phải nhận lấy bất kỳ quyền lợi thương mại nào. 
Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc ảnh 2 Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trao Quả bóng vàng nam 2020 cho Nguyễn Văn Quyết. 
Danh thủ Lê Huỳnh Đức, người đầu tiên đoạt danh hiệu vào năm 1995 và sau đó còn thắng thêm 2 giải nữa, trong một lần tham gia cùng ban tổ chức đấu giá các danh hiệu để làm từ thiện, đã xin phép báo SGGP cho phép anh được giữ lại kỷ vật đầu tiên mặc dù  đó là QBV có thiết kế thô nhất do điều kiện kỹ thuật khi ấy chưa đạt.
Nhưng với Lê Huỳnh Đức, đó lại là kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời cầu thủ. “Không có gì quan trọng bằng lần đầu tiên, và không có gì giá trị hơn cái cảm xúc được nhận giải của ngày đó. Giải thưởng chỉ mang tính chất biểu tượng, nhưng với các cầu thủ, đó là thứ tài sản vô giá của cuộc đời” - Lê Huỳnh Đức bày tỏ. Và điều này được chính Phạm Thành Lương, người đang giữ kỷ lục 4 lần đăng quang, chia sẻ.
Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc ảnh 3 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao  Quả bóng vàng nữ 2020 cho tiền đạo Huỳnh Như.
Ngôi sao của CLB Hà Nội cho biết, với anh giải thưởng đầu tiên vào năm 2009 là một thời khắc đáng nhớ nhất cuộc đời. “Khi đó, tôi đang chơi bóng cho đội Hà Nội ACB. Tôi không thể tưởng tượng được rằng một cầu thủ đang đá ở giải hạng nhất lại được vinh danh”. 
Đấy chính là điều làm nên giá trị ngày càng không thể thay thế của giải thưởng QBV. Trong 25 năm qua, cùng với thăng trầm của bóng đá Việt Nam, QBV Việt Nam cũng đối diện với không ít những biến cố khiến những nhà tổ chức nhiều lần phải nâng lên, đặt xuống trước khi quyết định thực hiện các cuộc bầu chọn. Vụ tiêu cực ở SEA Games năm 2005, những thất bại của đội tuyển Việt Nam ở những cuộc tranh tài khu vực... gây ra những chướng ngại khổng lồ trong việc vận động nguồn tài chính cho công tác trao thưởng.
Quả bóng vàng Việt Nam 2020: ​Thương hiệu và cảm xúc ảnh 4 Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT trao Quả bóng vàng Futsal 2020 cho cầu thủ Nguyễn Minh Trí. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG-PHÚC NGUYỄN 
Nhưng mỗi lần như vậy, cứ nghĩ đến những cầu thủ đã nỗ lực suốt cả năm xứng đáng được vinh danh, các nhà tổ chức càng quyết tâm phải tổ chức thành công giải thưởng.  Sau mỗi khúc quanh ấy, giải thưởng càng trở nên quan trọng hơn trong làng bóng đá. Sự vững vàng của giải thưởng, rốt cuộc cũng được đền đáp khi bóng đá Việt Nam ngày càng thay đổi đẳng cấp, vươn đến tầm vóc châu lục,  đồng nghĩa với số lượng các cầu thủ xứng đáng ngày càng đông đảo hơn.
Bốn chức vô địch quốc gia, 3 danh hiệu cúp quốc gia, 2 lần là cầu thủ xuất sắc nhất V-League, nhà vô địch Đông Nam Á 2018, đấy là những gì đã có trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Quyết, một trong những tiền vệ xuất sắc nhất ở thời điểm hiện nay của bóng đá Việt Nam. Kỳ lạ thay, anh vẫn chưa từng đoạt danh hiệu QBV Việt Nam dù  đã 2 lần giành QBB cũng như từng 2 lần là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của cuộc bầu chọn. Câu chuyện kết thúc chưa có hậu của Văn Quyết là minh chứng cho chất lượng của giải thưởng QBV Việt Nam.
Nó khiến cho Văn Quyết phấn đấu nhiều hơn để có thể vươn đến vinh quang trước khi từ giã sự nghiệp. Điều đó làm nên giá trị của thương hiệu giải thưởng, và ở một góc độ khác, nó truyền cảm hứng cho các cầu thủ để họ làm giàu thêm bản lĩnh bằng nỗ lực vươn đến đỉnh cao sự nghiệp, để được ghi nhận, để có được một chỗ đứng trong lịch sử. Đấy là thứ cảm xúc vô giá bóng đá đem đến cho người hâm mộ.

Các tin khác