Rắc rối bản quyền “Trạng Tí phiêu lưu ký”

(ĐTTCO) - Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” dự kiến khởi chiếu đúng ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, nhưng đang phải đối diện với làn sóng nghi ngại bản quyền của công chúng. Bởi lẽ, bộ phim được làm từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” từng diễn ra cuộc chiến pháp lý giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị.
Cảnh trong phim Trạng Tí phiêu lưu ký.
Cảnh trong phim Trạng Tí phiêu lưu ký.
1. Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đầu tư với kinh phí khá lớn, thời gian chuẩn bị gần 5 năm. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật trẻ con là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo. Ngoài 4 diễn viên nhí đảm nhận các vai chính là Hữu Khang, Bảo Tiên, Vương Hoàng Long và Đức Anh, bộ phim còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên được yêu thích như NSND Trung Anh, NSƯT Quang Thắng, Phi Phụng, Oanh Kiều, Hiếu Hiền, Xuân Nghị…
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng thực hiện nhiều bộ phim ăn khách như “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, “Về quê ăn Tết”, “Song lang”, “Hai Phượng”… cho nên bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” đạt được thỏa thuận với đơn vị phát hành khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 12-2 (mùng 1 Tết Tân Sửu).  Thế nhưng, lịch chiếu đáng mơ ước ấy đang vấp phải một thách thức không nhỏ, đó là sự phản ứng của giới mộ điệu, khi cho rằng bộ phim xâm phạm bản quyền của họa sĩ Lê Linh. Bộ phim được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thực hiện, dựa trên truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Xung quanh “Thần đồng đất Việt” là vụ kiện kéo dài hơn một thập niên giữa Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh, mà phiên xử cuối cùng tại Tòa án nhân dân TPHCM đã công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất đã sáng tạo hình tượng các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo. 
Khi bắt đầu triển khai bộ phim, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã ký kết bản quyền với Công ty Phan Thị nhưng chưa hỏi qua ý kiến họa sĩ Lê Linh. Rất thiện chí, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho rằng: “Tôi làm việc với bên Công ty Phan Thị hết 2 năm để có thể mua được bản quyền, lúc đó là năm 2016. Đến năm 2018 mới đi đến thỏa thuận mua 5 tập truyện để làm phim. Lúc này, là nhà sản xuất, tôi mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó. Lúc ấy, tôi vẫn không biết gì đến việc tranh chấp giữa công ty phát hành truyện và tác giả sáng tác. Nội dung tôi có mua và trả tiền theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ”.
Vụ kiện bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” rất ầm ĩ. Là một ngôi sao trong giới show biz, mà Ngô Thanh Vân nói không hay biết gì thì e chừng cũng khó thuyết phục công chúng. Họa sĩ Lê Linh thổ lộ: “Khi phiên tòa đang diễn ra, chị Ngô Thanh Vân có cho người tới nói chuyện nhưng tôi đang bận đấu với Công ty Phan Thị nên không có thời gian suy nghĩ chuyện khác. Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi cũng từ chối vì lý do nếu tôi nhận quyền lợi thì khác nào làm lợi cho Công ty Phan Thị, mà Công ty Phan Thị đang mắc nợ tôi quá nhiều. Hơn nữa, tuy tên tôi được ghi rất rõ trên truyện cũng như trên giấy tờ pháp lý của Công ty Phan Thị, nhưng mãi sau này chị Ngô Thanh Vân mới liên hệ thì cũng hơi lạ lùng”.
Cho nên, nhiều người cảm thấy nghi ngại về mối quan hệ chưa sòng phẳng giữa bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” và truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Vì sao họa sĩ Lê Linh từ chối gặp gỡ để thương lượng với ê-kíp làm phim? Họa sĩ Lê Linh chia sẻ: “Bây giờ có đề nghị gì cũng đâu có ý nghĩa. Bộ phim đã được họ làm xong từ lâu rồi. Đối với một người làm sáng tạo, một sản phẩm để phục vụ công chúng muốn tôi tham gia, góp ý... nên mời từ đầu để mình thực sự có đóng góp nhất định. Còn đối với “Trạng Tí phiêu lưu ký”, tôi không có chút đóng góp nào nên cũng không liên quan hay có ý kiến gì về bộ phim”. 

2. Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, công chúng tỏ ra bất mãn với góc khuất bản quyền của bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”. Thế nhưng, giới luật sư có cách nhìn hoàn toàn khác. Theo quy định của pháp luât, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh. Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Do đó, chuyển thể là một hình thức của tác phẩm phái sinh và đây là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân, tổ chức mà không nhất thiết phải là tác giả. 
Đối với hợp đồng mua bản quyền chuyển thể giữa nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu lý” và Công ty Phan Thị, đây là hợp đồng độc lập của các tổ chức với nhau. Nếu đối tượng của hợp đồng là tác phẩm chuyển thể từ các tác phẩm truyện tranh thì cần xác định tác phẩm truyện tranh gốc có thuộc quyền sở hữu của Công ty Phan Thị hay không. Trường hợp, tác phẩm gốc do Công ty Phan Thị là chủ sở hữu thì đơn vị này hoàn toàn có quyền làm tác phẩm phái sinh, tức là chuyển thể sang hình thức kịch bản phim, sau đó hoàn toàn có thể chuyển nhượng, cho phép... tổ chức, cá nhân khác sử dụng kịch bản này. Chỉ cần lưu ý, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả.
Vậy bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” có đáng bị kêu gọi tẩy chay vì vi phạm bản quyền không? Luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh: “Quyền tác giả không có nghĩa là quyền của tác giả, nên đôi khi chúng ta thấy các giao dịch về quyền tác giả nhưng lại không có tác giả trong đó, vẫn là điều bình thường. Pháp luật quy định làm tác phẩm phái sinh là quyền của chủ sở hữu, nên không bắt buộc phải xin phép tác giả. Bản án đã tuyên rõ ràng là Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Thêm vào đó, với vai trò là nhà đầu tư giao nhiệm vụ, họ đương nhiên là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bộ truyện tranh nói trên, tức là họ toàn quyền khai thác quyền làm tác phẩm phái sinh theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ”.

Các tin khác