Sao “ăn cây táo, rào cây sung”?

(ĐTTCO) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đương nhiệm Phạm Phú Quốc thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD”. Đây là lời tự thú, nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại khiến nhiều người giật mình ái ngại. Con đường lắt léo của tấm hộ chiếu nước ngoài trớ trêu kia, cần phải hiểu thế nào mới bớt âu lo cho những người thiết tha với sự thịnh vượng của Tổ quốc mình?
Ông Phạm Phú Quốc đang là tâm điểm chú ý của dư luận cả nước. Ngoài vai trò ĐBQH, ông còn đang đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Thuận - doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Không phải ngẫu nhiên ông Quốc hồn nhiên khai việc mình có quốc tịch Cyprus. Chẳng qua, do chứng cứ rõ ràng, không thể che giấu được.
Đó là việc hãng thông tấn Al Jazeera vừa tung ra tài liệu mật có tên gọi “The Cyprus Papers” (Hồ sơ đảo Cyprus). Theo điều tra của một đơn vị truyền thông uy tín, trong 3 năm (2017-2019) đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được quyền công dân của Cộng hòa Cyprus thông qua hình thức đầu tư định cư. Các nước dẫn đầu về số người mua quốc tịch ở Cyprus là Nga (gần 50%), Trung Quốc, Ukraine, Lebanon, Jordan, Iran. Riêng Việt Nam có 26 cá nhân được cấp hộ chiếu Cyprus, ông Phạm Phú Quốc và vợ là bà Nguyễn Phan Diệu Phương được nêu đích danh.
Sao “ăn cây táo, rào cây sung”? ảnh 1
Nhưng ông Quốc nói mình được vợ con bảo lãnh vào quốc tịch Cyprus. Nhưng thực tế hồ sơ xin quốc tịch Cyprus của vợ chồng ông Quốc được xét duyệt cùng một đợt, và được Quốc hội nước sở tại đóng dấu công nhận vào ngày 7-1-2019. Nói một cách thẳng thắn, ông Quốc và vợ có được quốc tịch Syprus nhờ tham gia chương trình “hộ chiếu vàng” dành cho nhà đầu tư nước ngoài chịu bỏ tối thiểu 2,5 triệu USD vào lãnh thổ của họ. 
Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài muốn được cấp quốc tịch Cyprus phải đầu tư theo yêu cầu 3 năm trước khi nộp đơn xin nhập quốc tịch, phải duy trì khoản đầu tư ít nhất 3 năm sau khi được cấp. Thời gian tối thiểu hoàn thành hồ sơ từ lúc nộp đơn xin quốc tịch đến khi trở thành công dân chính thức của Cyprus là 6 tháng. Căn cứ vào “Hồ sơ Cyprus”, đơn xin quốc tịch của vợ chồng ông Quốc được Bộ Nội vụ Cyprus duyệt ngày 12-12-2018. Nghĩa là ông Quốc hoặc vợ đã bỏ 2,5 triệu USD để đầu tư tại Cyprus từ năm 2015. So sánh 2 mốc thời gian, ông Phạm Phú Quốc trúng cử ĐBQH vào tháng 5-2016, rõ ràng ông đã có ý định sở hữu hộ chiếu Cyprus khi bước chân vào cơ quan lập pháp Việt Nam.
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rất cụ thể: Người Việt Nam ở trong nước có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, khi muốn nhập quốc tịch nước khác phải thôi quốc tịch Việt Nam. Còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với chính sách đại đoàn kết dân tộc, vẫn cho phép giữ quốc tịch Việt Nam để gắn bó với quê hương. Là ĐBQH ông Quốc không lẽ không am tường về Luật Quốc tịch? Ông Quốc khi xin cấp quốc tịch Cyprus, không những không thôi quốc tịch Việt Nam, mà vẫn ngạo nghễ đứng trong cơ quan quyền lực cao nhất nước và tham gia lãnh đạo doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. 
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, càng phải tuân thủ yêu cầu chỉ có 1 quốc tịch. Bất cứ ai ở tư cách cán bộ nhà nước và ĐBQH, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ 2, đều phải báo cáo trung thực với tổ chức. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ Ban công tác đại biểu của Quốc hội, đến nay cơ quan này chưa nhận được báo cáo chính thức từ ông Phạm Phú Quốc”.
Trước đây, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã xảy ra trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta, đã bị miễn nhiệm tư cách ĐBQH. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, còn ông Phạm Phú Quốc là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Là cán bộ đương nhiệm, ông Quốc cần quốc tịch Syprus để làm gì? Phải chăng, ông xem mảnh đất đã sinh thành và cưu mang ông chỉ là chốn tạm bợ? Phải chăng, ông có sẵn tâm lý “ăn cây táo rào cây sung”? Phải chăng ông giữ chức vụ chỉ để thực hiện ý đồ “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”?
Ông Phạm Phú Quốc là người thành đạt. Quê quán ở Quảng Trị, ông vốn là kỹ sư hàng hải, sau đó có thêm bằng thạc sĩ kinh doanh. Con đường thăng tiến của ông khá hanh thông. Từ tháng 7-1993 đến tháng 11-1994, là Trưởng phòng Tiếp thị điều hành du lịch tại Công ty Phát triển đầu tư thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia. Từ cuối năm 1994 đến giữa năm 2000, ông là Trưởng phòng Điều hành tour Công ty Du lịch Tân Định Fiditourist, thuộc Tổng công ty Bến Thành. Từ năm 2000 đến năm 2015, ông Quốc trải qua các vị trí Phó trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Trưởng phòng Quản lý dự án, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Bến Thành, rồi Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bến Thành. 
Tiếp theo, tháng 9-2015, ông Quốc rời Tổng công ty Bến Thành để trở thành Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM - đơn vị tài trợ tín dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm của TPHCM. Tháng 1-2018, ông Quốc được điều động, bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Tháng 12-2019, ông nhận quyết định về làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Thuận (thay thế ông Tề Trí Dũng bị bắt vì tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí). Sau khi trúng cử ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc còn được bầu làm Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14. 
Với những gặt hái công danh như vậy, lẽ ra ông Phạm Phú Quốc nên dành hết tâm trí để cống hiến cho quê hương, nào ngờ ông lại xin nhập quốc tịch Syprus. Sự thèm thuồng tấm hộ chiếu Syprus của ông Quốc có thể lý giải như thế nào? Chưa hẳn ông đã muốn cư ngụ lâu dài tại đảo quốc nhỏ bé kia. Chủ yếu, khi có quốc tịch Syprus, ông sẽ trở thành công dân của khối EU, được đi lại và làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU, đồng thời có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia không cần visa. 
Chưa cần bàn đến số tiền 2,5 triệu USD có nguồn gốc từ đâu để vợ chồng ông Phạm Phú Quốc đầu tư vào Syprus, chỉ cần đặt câu hỏi day dứt: Vì quyền lợi riêng tư ấy mà ông Quốc nỡ quay lưng lại với cử tri đã tín nhiệm bỏ phiếu cho ông trúng cử ĐBQH ư? Vì quyền lợi riêng tư ấy, ông Quốc nỡ phụ bạc sự kỳ vọng của cấp trên và sự tin cậy của đồng nghiệp khi giao chức vụ Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Thuận cho ông ư?
Từ trường hợp ông Phạm Phú Quốc, không thể không băn khoăn, liệu còn bao nhiêu cán bộ đang đương chức tại Việt Nam vẫn tìm mọi cách để sở hữu hộ chiếu nước ngoài? Và có lẽ cũng cần mạnh dạn đặt giả thiết, phải chăng những người mưu cầu quốc tịch khác đang có ý định trốn chạy, khi sai phạm của họ trong quá trình công tác bị phanh phui? 

Các tin khác