Sốt bảo hiểm xe máy giữa thời Covid-19?

(ĐTTCO) - Từ ngày 15-5 đến ngày 14-6, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước thực hiện cuộc ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông. 
Dù thời gian 1 tháng này được xem như “kế hoạch thép” nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, nhưng lại phát sinh hệ lụy khác: gây sốt thị trường bảo hiểm xe máy (BHXM) bắt buộc, khi túi tiền của người dân đang eo hẹp vì ứng phó đại dịch toàn cầu.
Năm nào CSGT cũng có đợt ra quân rầm rộ, khi 10 ngày, khi nửa tháng, khi cả tháng. Sau Nghị định 100 được ban hành, tình trạng tài xế sử dụng bia rượu đã được khống chế tương đối. Tuy nhiên, Covid-19 đã kéo đời sống kinh tế vào những khó khăn mới. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm mục đích giúp đỡ những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Vậy, đợt ra quân mới này của CSGT có ý nghĩa gì, khi cả nước đang nỗ lực khôi phục sản xuất và thiết lập trạng thái bình thường mới? Tất nhiên, về mặt thông điệp thì chiến dịch nào cũng có những mỹ từ rất khéo léo và thánh thót. Tại sao không kiểm soát thường xuyên, mà lâu lâu lại hào hứng với những màn kiểm tra chuyên đề? Sau đợt cách ly xã hội dài ngày, các phương tiện vận tải hành khách lẫn vận tải hàng hóa vừa tái khởi động, có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chăng? Hỏi để bày tỏ sự băn khoăn, chứ không dễ có câu trả lời.  
Sốt bảo hiểm xe máy giữa thời Covid-19? ảnh 1 Ảnh minh họa.
Với đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông trên cả nước, CSGT được phép dừng xe đang di chuyển dù không có dấu hiệu vi phạm. Điều ấy có nghĩa người tham gia giao thông phải xuất trình các giấy tờ cần thiết cho lực lượng chức năng. Giấy tờ sở hữu phương tiện và giấy phép lái xe, hầu hết đều đáp ứng đầy đủ. Còn bảo hiểm phương tiện? Đây mới là mấu chốt tạo ra cơn sốt BHXM ở khắp các tỉnh thành. Lâu nay, chẳng mấy ai chú ý đến nhu cầu ấy, bây giờ vội vàng bỏ tiền mua để khỏi phiền phức. 
Phần lớn xe ô tô đã phải mua bảo hiểm bắt buộc, do chính những đơn vị đăng kiểm bán kèm mỗi khi làm thủ tục đăng kiểm. Cho nên, đối tượng lo lắng bị kiểm tra bảo hiểm bắt buộc là người điều khiển xe máy. Vì sao lâu nay người dân không mấy quan tâm đến BHXM? Đơn giản vì không thấy giá trị đích thực của nó. Mua BHXM thì dễ, nhưng để đòi được BHXM đường trần muôn nỗi éo le. 
Về mặt lý thuyết, mua BHXM để ứng phó với tai nạn. Cụ thể, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường số tiền chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe máy (người mua bảo hiểm) chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.
Nói cách khác, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên thứ 3 - bên bị thiệt hại do tai nạn chủ xe cơ giới gây ra, còn những thiệt hại về xe máy và thân thể của chủ phương tiện - người mua bảo hiểm gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm. Hiện nay, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe máy gây ra 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Song thực tế, khi tai nạn xảy ra người mua BHXM phải chạy ngược chạy xuôi mới lo đủ giấy tờ doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị. Trớ trêu hơn, những loại giấy tờ ấy, phía doanh nghiệp bảo hiểm chưa bao giờ hướng dẫn rõ ràng khi bán cho người mua. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ dựa trên yếu tố “bắt buộc” để bán sản phẩm. Thậm chí, khi xảy ra tai nạn xe máy, không có cách nào để gọi nhân viên bảo hiểm cùng tham gia giải quyết.
Phí bảo hiểm xe máy bắt buộc không cao, chỉ 66.000 đồng/năm và không được khuyến mại dưới mọi hình thức. Còn phí BHXM tự nguyện được bán 10.000-35.000 đồng, dành bảo hiểm cho người ngồi sau xe máy. Oái oăm là rất nhiều người vẫn lầm tưởng 2 loại BHXM bắt buộc và tự nguyện là giống nhau.
Chính điều này đã dẫn đến việc mua bảo hiểm tự nguyện giá rẻ ở ven đường mà không biết dù có bảo hiểm đó vẫn bị phạt khi CSGT kiểm tra. Bởi lẽ, doanh nghiệp bảo hiểm phân phối vô tội vạ và không giải thích cho người mua.
Họ đều bán BHXM thông qua đại lý, không có thống kê về thông tin người mua bảo hiểm. Do vậy, khi tai nạn xảy ra, sự so sánh giữa thông số trên BHXM và biển số của phương tiện, đã trở thành đề tài giằng co dai dẳng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.
Khi CSGT thực hiện đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông, doanh số BHXM tăng vọt, kéo theo lời than vãn tiếng trách móc không ngừng vang lên từ người sử dụng xe máy. Ngày 20-5, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính mới có Công văn 189/QLBH-PNT về việc “Bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Trong đó yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống. Đảm bảo thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới theo quy định pháp luật hiện hành.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm, tùy theo mức độ, sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Một văn bản chấn chỉnh muộn màng kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Tại sao không hoàn thiện hệ thống bảo hiểm rồi mới bán sản phẩm cho khách hàng? 
BHXM, xét cho cùng là giao dịch dân sự. Doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược thu hút khách hàng một cách thuyết phục. Người nào thấy cần thiết thì mua, không thì thôi, không nên ép buộc. Và càng không nên đưa việc kiểm tra BHXM là một phần của việc tổng kiểm soát phương tiện giao thông, vừa hao phí nguồn lực CSGT thông, vừa phiền hà cho người dân đang chật vật ứng phó Covid-19.  

Các tin khác