Sử dụng bằng giả có vi phạm?

(ĐTTCO) - Bộ Công an vừa có kết luận điều tra về vụ án xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô (trụ sở đặt tại Chương Mỹ, Hà Nội). Với hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả đã cấp, Trường Đại học Đông Đô đã tạo nên sự bát nháo cho ngành giáo dục. 
Nguy hiểm hơn, có 55 đối tượng đã mua bằng tiếng Anh giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ nhằm chui sâu trèo cao ở các cơ quan nhà nước. Đã vậy, khi điều tra còn phát hiện, Trường Đại học Đông Đô được thành lập từ năm 1994, và cho đến nay vẫn chưa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2. Thế nhưng từ năm 2015, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô lại công khai xét tuyển cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. 
Quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã làm việc với 5 trường hợp đã sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô nộp vào các đơn vị đào tạo như Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học Viện Khoa học Xã hội, để hợp thức hóa thủ tục làm nghiên cứu sinh. Trong những người này, có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Bất ngờ hơn, có 3 trường hợp tự nguyện viết đơn tố cáo sai phạm của Trường Đại học Đông Đô. Bước đầu, Bộ Công an xác định đây là hoạt động có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia trên quy mô toàn quốc. Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Sở hữu bằng cử nhân tiếng Anh giả ở Trường Đại học Đông Đô có dấu hiệu vi phạm pháp luật như thế nào? Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự, người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, bị phạt tiền từ 30 triệu đồng và 2 năm tù. Còn hành vi sử dụng giấy tờ giả chỉ cấu thành tội phạm khi “để thực hiện hành vi trái pháp luật”, tức dùng bằng giả đó để thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức.
Do đó, với những người dùng bằng cấp giả để bổ túc hồ sơ làm việc (nâng bậc lương, lên chức...), học tập (nâng cao bằng cấp...), không sử dụng vào việc thực hiện hành vi trái pháp luật, sẽ không phạm tội theo Điều 341 Bộ luật Hình sự nói trên. Xem như một cách sở hữu cho vui hoặc lấy oai!
Vì sao một lượng lớn tiền tươi thóc thật được đổ vào Trường Đại học Đông Đô để mua bằng cử nhân tiếng Anh giả? Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT quy định, nếu thí sinh có “bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục), hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, không cần thi các chứng chỉ B1, B2. Oái oăm thay, nếu các chứng chỉ B1, B2 cứ 2 năm phải thi lại, thì bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp (tương đương với bằng đại học được đào tạo ở nước ngoài) có giá trị vĩnh viễn. Cho nên các học viên cao học thừa khôn ngoan để quyết tâm sở hữu cái bằng cử nhân tiếng Anh của Đại học Đông Đô để thoải mái sử dụng khi cần thiết. 
Có bằng cử nhân tiếng Anh sẽ có cơ hội thành nghiên cứu sinh, thành tiến sĩ, cũng như có cơ hội được thăng chức nâng lương, nên ùn ùn ứng viên kéo đến cánh cửa rộng mở của Trường Đại học Đông Đô. 
Bằng cử nhân tiếng Anh giả được thông báo chỉ tiêu công khai, khác gì mua bán bằng cấp? Lỗi chính thuộc về ai? TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, nhận định: “Từ kết luận của cơ quan điều tra, trách nhiệm của các cá nhân liên quan phải được làm rõ. Bộ GD-ĐT cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của trường này, bao gồm cả việc hậu kiểm, nguyên nhân vì sao không phát hiện được sai phạm.
Đối với những cá nhân sử dụng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô để đạt điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc sử dụng vào mục đích hợp lý hóa hồ sơ cán bộ, cần phải xem xét lại. Nếu họ là nạn nhân, bị lừa nên đăng ký học văn bằng 2 của trường này cần thu hồi văn bằng, hủy kết quả công nhận tiến sĩ. Nhưng nếu có bằng chứng họ biết cơ sở đào tạo sai vẫn đăng ký học, bỏ tiền ra mua bằng, có thể xem xét truy tố”.

Các tin khác