Tăng lượng hàng chế biến, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

(ĐTTCO)-Ngày 18-7, thông tin từ các hệ thống phân phối chủ lực tại TPHCM cho thấy, trong 3 ngày qua, lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị đã giảm nhiệt. 
Tăng lượng hàng chế biến, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

Nguyên nhân chính là người dân đã mua dự trữ khá nhiều hàng hóa từ trước đó. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, các hệ thống siêu thị tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp, tìm kiếm thêm những nhà cung cấp mới.

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Satramart và chuỗi cửa hàng Satrafoods thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã dự trữ và cung ứng hàng hóa cho khách hàng đến mua sắm và phục vụ người dân trong các khu cách ly với số lượng hàng thiết yếu tăng gấp 5 lần/ngày. Công ty Vissan, đơn vị thành viên của Satra, đã tăng cường lực lượng, đẩy mạnh sản xuất, trước đây cung ứng cho thị trường mỗi ngày từ 45 tấn thực phẩm tươi sống, 80 tấn thực phẩm chế biến thì nay có ngày cung ứng đến gần 120 tấn thực phẩm tươi sống và trên 120 tấn thực phẩm chế biến… 

Đối với các mặt hàng tươi sống, tại 2 siêu thị ở khu vực TPHCM, Aeon Việt Nam đã chủ động tăng trữ lượng nhập hàng 5 - 6 lần, đảm bảo đủ rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, mì tôm… phục vụ người dân. Hàng hóa luôn có sẵn, mặt hàng tươi sống đều được bổ sung mỗi ngày, giá cả ổn định nên khách hàng yên tâm không cần mua nhiều cùng một lúc để tích trữ. Lượng hàng của siêu thị không chỉ cung ứng cho khách hàng đến mua trực tiếp hay qua các kênh trực tuyến mà còn được bán tại 4 điểm bán hàng lưu động của Aeon Việt Nam được triển khai từ ngày 13-7. Mỗi điểm bán lưu động cung cấp trung bình khoảng 1 tấn hàng tươi sống, thực phẩm khô và thức ăn chế biến sẵn cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.

Ngoài ra, trong 2 ngày 18 và 19-7, siêu thị Aeon Bình Tân giảm giá 20%-50% đối với một số sản phẩm rau củ quả như bắp cải, bông cải, cà rốt, cà chua, dưa leo… để đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.  

Theo thông tin từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng nhà bán lẻ này quyết tâm không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân, đồng thời bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch. 

Thực tế giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước thời điểm giãn cách theo Chỉ thị 16 cho đến nay. Để ổn định giá bán, Saigon Co.op đã tăng cường dự trữ lên hơn 30% đối với thịt tươi, trứng, rau củ quả cung ứng cho gần 300 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TPHCM. Cộng với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 đến 6 tháng tới. 

Tương tự, Công ty MM Mega Market Việt Nam cũng liên tục nhập các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây vào các tổng kho đặt tại các vùng miền để cung ứng kịp thời cho nhu cầu mua sắm của các khách hàng. Mới đây, MM đã triển khai các giải pháp để tăng cường bán hàng online, thực hiện thí điểm chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế và phong tỏa.

Theo đó, MM sẽ gửi đến người dân trong các khu vực này đường link đặt hàng thông qua email, tin nhắn Zalo, Facebook hoặc gọi trực tiếp vào số điện thoại hotline 1800 799 998. 

Các tin khác