Tháng 10 đã có dấu hiệu tích cực cho du lịch, nhưng muốn phục hồi, các tỉnh phải cùng mở cửa

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp đánh giá tháng 10 đã xuất hiện tín hiệu tích cực ở TPHCM và các địa phương. Đặc biệt, Chính phủ đã thay đổi quan điểm từ chiến dịch “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, TPHCM và các tỉnh đã mở cửa nền kinh tế, là thời cơ phục hồi du lịch.
 Để du lịch phục hồi cần tiêu chuẩn đón khách an toàn thống nhất giữa các địa phương.
Để du lịch phục hồi cần tiêu chuẩn đón khách an toàn thống nhất giữa các địa phương.
Tại buổi toạ đàm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới tổ chức tại TPHCM ngày 14-10, nhiều diễn giả cùng nhận định nếu không có tiêu chuẩn đón khách an toàn thống nhất giữa các địa phương, thì du lịch khó hồi phục. 
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel, đánh giá từ tháng 10 đã xuất hiện tín hiệu tích cực ở TP HCM và các địa phương. Đặc biệt, Chính phủ đã thay đổi quan điểm từ chiến dịch “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, nên TP HCM và các tỉnh đã mở lại, là tín hiệu tích cực. 
Ông Duy cho biết ngoài TPHCM, Vietravel cũng làm việc với các địa phương khác, để khi điều kiện cho phép thì sẵn sàng có sản phẩm trong điều kiện an toàn. Tập trung vào yếu tố: điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và dịch vụ an toàn, chỉ cam kết đến những địa phương công bố an toàn…
Nhưng hiện nay, các địa phương mới dừng lại ở mở cửa nội thành, nội tỉnh, trong khi du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Nếu chỉ  mở cửa cho nội thành, nội vùng, nội tỉnh thì không có nghĩa với du lịch. Muốn du lịch thật sự trở lại thì cần điều kiện liên kết. Các địa phương cần sớm mở cửa trở lại, thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay, để du khách và doanh nghiệp có thể trở lại.
Đồng quan điểm, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhìn nhận việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.
Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể mở cửa, phát triển du lịch được. Bình Định thời gian qua đã xúc tiến nhiều hoạt động mở cửa, khôi phục. Đa số thống nhất mở lại các đường bay trong nước. Nhưng hiện mới kết nối được với TPHCM. Hà Nội, Hải Phòng thì chưa kết nối được vì lý do tiêu chuẩn của các địa phương này. 
Cũng theo ông Giang, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này. Vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi, trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ.
Ngoài việc thống nhất tiêu chí giữa các tỉnh thì việc phục hồi du lịch còn phụ thuộc lớn vào việc tiêm vaccine. Hiện TPHCM mà một số tỉnh đã có độ phủ vaccine cao nhưng còn nhiều tỉnh thành vẫn còn thấp. 
Tháng 10 đã có dấu hiệu tích cực cho du lịch, nhưng muốn phục hồi, các tỉnh phải cùng mở cửa ảnh 1 Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách quốc tế tháng 11, tạo cơ sở để các địa phương mở cửa du lịch. 
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện Quảng Nam tỉ lệ phủ vaccine mới đạt 33%. Việc phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm ngừa. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung phủ vaccine, nhất là ở Hội An và các điểm đến khác.
"Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã đón hơn 22.000 khách và trong đó đón hơn 2.000 khách nhập cảnh cách ly, để người làm du lịch quen dần. Chúng tôi cũng hợp tác, liên kết với Đà Nẵng, TPHCM, để cùng nhau khai thác du lịch nội địa theo tiến trình khôi phục", ông Thanh chia sẻ. 
Là một trong những ngành bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất nhưng khi quay lại, ngành du lịch sẽ phải đi từng bước thận trọng nhất. Với vai trò "thuyền trưởng", Bộ VHTT&DL đưa ra 4 định hướng để phục hồi ngành công nghiệp không khói này.

Đầu tiên, là ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở vực dậy du lịch. Bộ VHTT&DL cho biết sẽ xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch. Bộ cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình.

Ngành du lịch sẽ khởi động lại theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.

Thứ hai, Bộ đồng hành cùng doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Thứ ba, cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo... 

Cuối cùng là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.

Các tin khác