Thay đổi thói quen ngày Tết

(ĐTTCO) -  Tết đến - Xuân về với bất cứ gia đình người Việt nào đều không thể thiếu những món ăn truyền thống trên mâm cơm cúng gia tiên. Tuy nhiên, ăn uống hợp lý vào dịp Tết là điều cần thiết, không chỉ với những người có vấn đề về sức khỏe, mà còn cả đối với người khỏe mạnh. 
Phải để Tết là dịp nghỉ ngơi
Lâu nay nhiều người dân vẫn nặng nề tâm lý “ăn Tết”, bởi cho rằng lao động vất vả cả năm mới có một cái Tết Nguyên đán, nên nhà nhà, người người đua nhau mua sắm tích đồ ăn, thức uống, từ thịt, cá, giò chả, hải sản cho tới các loại bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, hạt điều, các loại nước ngọt, bia, rượu…
Thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo càng nhiều càng thể hiện sung túc, nên hầu hết các gia đình đều cố gắng ních chật cứng đồ ăn trong tủ lạnh, tủ đông khiến chất lượng thực phẩm bị suy giảm, thậm chí hư hỏng nhưng nhiều gia đình không biết, hoặc vẫn cố sử dụng vì tiếc rẻ.
Vào dịp Tết Nguyên đán, ở miền Bắc thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển, nên với những loại thực phẩm được tích trữ và bảo quản không tốt rất dễ bị lên nấm mốc, gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Còn ở miền Nam, thời tiết lại nóng bức, khiến các loại thực phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, giò chả.. dễ bị ôi thiu, hay nhiễm các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Cùng với đó, trong những ngày đầu Xuân thường ăn nhậu liên miên, đi lại cũng nhiều hơn, ngủ ít hơn, khiến thói quen sinh hoạt hàng ngày của nhiều người bị đảo lộn, là nguyên nhân làm nhiều người lớn và trẻ nhỏ rất dễ bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, để tận hưởng những ngày Tết cổ truyền dân tộc thật trọn vẹn, mỗi gia đình cần nên thay đổi tâm lý "ăn Tết", Tết phải là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn và thăm hỏi nhau. Chia sẻ về vấn đề ăn uống, ông Phong cho rằng không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết, bởi hiện nay ngay từ ngày  mùng 1 các siêu thị, các chợ đã bán hàng, sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.
Các gia đình cũng không cần thiết phải dự trữ đầy thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần trong những ngày đầu Xuân. Bởi chiếc tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu như chúng ta không sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh, thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín; hay việc đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh làm khí lạnh không lưu thông được, nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo… sẽ càng làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, nhanh hỏng và biến chất hơn. 
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh người dân nên chứa thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt có nắp đậy hoặc túi nilon sạch.
Thực phẩm để trên ngăn đá hoặc tủ đông khi muốn rã đông để chế biến, nếu có thời gian nên để xuống ngăn mát sau đó để ra ngoài nhiệt độ thường. Nếu muốn chế biến ngay sử dụng chế độ rã đông của lò vi sóng. Đối với thức ăn được nấu chín để trong tủ lạnh, cần phải được nấu sôi lại để diệt hết vi khuẩn.
Thay đổi thói quen ngày Tết ảnh 1 Cần cẩn trọng ăn uống và sức khỏe trong những ngày Tết.
Cẩn trọng ăn uống và sức khỏe
PGS.TS Bùi Huy Phú, Hội Nội khoa Việt Nam chia sẻ, ngày Tết gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, uống nhiều rượu bia gây ra nhiều tác hại tới sức khỏe, làm rối loạn thần kinh, không kiểm soát được hành động. Mặt khác, uống nhiều rượu bia các độc tố sẽ bị giữ lại ở gan, làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút.
Việc uống rượu bia nhiều có thể làm huyết áp cao bất thường, nhịp tim nhanh bất thường, có thể gây các biến chứng như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tai biến mạch máu não. Do đó, mọi người khi uống rượu bia ngày Tết chỉ nên uống ít khai vị, vui vẻ là chính. Đối với các loại nước ngọt do có đường cao, nên hạn chế sử dụng vì khi uống nhiều cơ thể hấp thụ sẽ tạo thành mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Đặc biệt ngày Tết uống nước có ga kèm rượu, bia, kẹo bánh... dễ khiến cơ thể khó dung nạp gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu hóa. 
Theo bác sĩ CKII Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, đúng là bánh chưng, bánh tét có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, chỉ thiếu một ít chất xơ, nhưng sẽ được cân bằng nếu ăn với các loại dưa món, dưa hành, củ kiệu và ăn kèm các loại rau sống hoặc ăn tráng miệng bằng trái cây.
Song không nên ăn nhiều vì nhiều chất béo và là các chất béo no từ thịt mỡ, ít có lợi cho sức khỏe, nhất là với những người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày… Tuy nhiên, cần lưu ý dưa hành, củ kiệu, dưa muối đều chứa nhiều muối và nhiều đường, nhất là các dạng dưa ngâm trong nước mắm thay vì ngâm dấm. Do vậy, dưa muối không phù hợp với người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh nhân suy thận. 
Giò chả, lạp xưởng là những thực phẩm thường được dự trữ và dùng nhiều trong dịp Tết vì thuận tiện, nhanh chóng, ít ngán. Tuy nhiên giò, chả, lạp xưởng lại có nhiều chất béo, chủ yếu là acid béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch. Hơn nữa, đây là loại sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, nên cần chú ý khi mua.
Cách bảo quản là để ở nhiệt độ thường dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách, giò, chả sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát tủ lạnh, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá. Giò chả lấy ra khỏi ngăn đá, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ.
Trái cây, rau xanh là loại thực phẩm nên được dùng nhiều trong những ngày Tết, vì là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, cung cấp nhiều nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày Xuân. Tuy nhiên, việc lựa chọn trái cây và rau xanh để dùng trong dịp năm mới cũng hết sức quan trọng.
Khi mua nên lựa những loại rau quả còn tươi, nguyên vẹn, ít bị trầy xước, giòn chắc, cầm nặng tay, có màu sắc tự nhiên và hình dạng bên ngoài bình thường; tránh các loại rau quả bị giập nát, héo úa. Lưu ý nhiều loại hoa quả được hóa chất bảo quản nên trông bên ngoài vẫn còn tươi, nhưng thực chất đã bị hư hỏng bên trong. 

Các tin khác