Thầy thuốc trẻ hết lòng với nghề

(ĐTTCO) - Thành đoàn TPHCM vừa tuyên dương và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 7 cho 28 thầy thuốc trẻ có nhiều đóng góp đối với sự phát triển ngành y của TP và cả nước.

Đây là các y, bác sĩ trẻ của các bệnh viện đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực cùng ngành y TP thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; điều trị cho bệnh nhân; nghiên cứu các phương pháp chữa trị, ngăn ngừa bệnh dịch; phát huy những sáng kiến, nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo SGGP trích đăng ý kiến của các thầy thuốc trẻ tiêu biểu nhận giải thưởng danh giá này.

Bác sĩ LÊ ANH ĐỨC-Bệnh viện Nhân Dân 115

Sát cánh cùng bệnh nhân ung thư

Ung thư là loại bệnh được nhiều người nhắc đến, tìm kiếm thông tin một cách buồn bã và sợ hãi. Người không may mắc bệnh ung thư luôn có cảm giác như treo trong mình bản án tử hình. Do đó, người bác sĩ chuyên ngành ung thư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tư vấn, hướng dẫn về bệnh và sát cánh cùng người bệnh chiến đấu với căn bệnh quái ác này. 

Thầy thuốc trẻ hết lòng với nghề ảnh 1Bác sĩ Lê Anh Đức

10 năm làm việc tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Nhân Dân 115, tôi đã gặp, tư vấn và điều trị rất nhiều bệnh nhân ung thư từ khắp mọi miền đất nước. Khi tiếp xúc với hầu hết người bệnh ung thư, tôi nhìn thấy sự tuyệt vọng, nỗi buồn trong đôi mắt họ và có cả hy vọng le lói xen lẫn. Điều đó thôi thúc mình phải giải thích kỹ hơn, tìm hiểu những phương pháp tốt hơn để tư vấn, chữa trị hoặc làm giảm triệu chứng cho bệnh nhân. 

Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu nửa người, rối loạn tri giác, chẩn đoán ban đầu đặt ra là tai biến mạch máu não nhưng sau khi tầm soát, đánh giá lại thì phát hiện đây là những tổn thương di căn não với tỷ lệ cao, khởi nguồn bệnh từ ung thư phổi hoặc ung thư vú. Việc tư vấn, thông báo tin xấu cho người bệnh, thân nhân hiểu rõ về loại bệnh ung thư giai đoạn cuối này đã là một thách thức; điều trị tốt lại càng khó khăn, phức tạp hơn do bệnh lan tràn nhiều cơ quan. Di căn não thường gặp trong ung thư. Đa phần có tiên lượng xấu, thời gian sống chỉ 2 - 3 tháng nếu không điều trị. Với sự tiến bộ của y học về chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thần kinh, xạ trị, hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ đã góp phần tăng thời gian sống còn, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

“Đánh giá hiệu quả kiểm soát tổn thương di căn não bằng xạ trị toàn não có hoặc không kết hợp xạ phẫu Gamma” là nghiên cứu khoa học tôi thực hiện trong năm qua, được thực hiện để khảo sát các lợi ích này, giúp cải thiện thời gian sống còn, chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp người bệnh ung thư giai đoạn cuối còn đủ thời gian để thực hiện ước nguyện của bản thân. Điều này, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong cuộc chiến phòng chống bệnh ung thư.

Bác sĩ CHÂU TỐ UYÊN-Bệnh viện Nhi đồng 1

Hết lòng với bệnh nhi

Lúc mới vào nghề, tôi thấy làm bác sĩ nhi khoa khá căng thẳng vì đối tượng mình quan tâm không chỉ là các bệnh nhi, mà còn phải ổn định tâm lý lo lắng cho người nhà các bé, nhiều khi cứ vài phút họ chạy lên xin khám lại cho bé. Nhưng làm việc một thời gian, tôi càng hiểu được tâm lý phụ huynh các bé, cần phải giải thích bệnh và tư vấn kỹ cho người nhà bệnh nhi hiểu. Mình cứ hết lòng và thấu hiểu sự lo lắng của phụ huynh như chính người nhà mình.

Thầy thuốc trẻ hết lòng với nghề ảnh 2Bác sĩ Châu Tố Uyên

Hiện tại, mỗi ngày đi làm tôi đều cảm thấy vui khi được khám bệnh cho những thiên thần nhỏ, các bé cười hay khóc đều cảm thấy đáng yêu. Vài trình tự khám bệnh đòi hỏi các bé phải giữ yên lặng mới khám chính xác được, nhưng khi mình đưa đồ chơi là các bé yên lặng liền. Phụ huynh các bé phần lớn đều tôn trọng và quý nhân viên y tế, đó là điều khiến tôi thấy hạnh phúc. 

Vừa qua, tôi cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện có thực hiện 2 sáng kiến là cải tiến trang web bệnh viện; cải tiến chất lượng nhà vệ sinh bệnh nhân - nhà vệ sinh thông minh. Với sáng kiến cải tiến trang web bệnh viện, tôi chỉ góp phần nhỏ cùng đồng nghiệp. Chúng tôi chọn sáng kiến này vì muốn các thông tin về giáo dục sức khỏe cộng đồng, các chương trình, thông báo khám bệnh, dịch vụ y tế bệnh viện triển khai sẽ được người dân và nhân viên y tế tiếp cận dễ dàng hơn. Với cải tiến nhà vệ sinh thông minh, tôi cùng Đoàn thanh niên bệnh viện thực hiện với mong muốn tạo sự thoải mái cho bệnh nhi và thân nhân khi đến đây. Trước nay, hệ thống nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân tại bệnh viện còn một số hạn chế, thiếu các poster tuyên truyền và thiết bị nhắc nhở bệnh nhân gìn giữ vệ sinh chung nên cải tiến này góp phần giúp hệ thống nhà vệ sinh ngày càng sạch đẹp.

Bác sĩ HÀ HIẾU TRUNG-Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Luôn muốn tìm tòi sáng kiến, cải tiến

Đối với tôi, ngành y là một lựa chọn đặc biệt, bởi đó là ngành nghề liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, nhân dân tin tưởng phó thác tính mạng mình cho thầy thuốc, xã hội tin tưởng giao trách nhiệm cho ngành y tế nhiệm vụ chăm lo sức khỏe nhân dân. Chúng tôi vinh dự được khoác trên mình tấm áo blouse đầy ý nghĩa, để khẳng định trách nhiệm nghề nghiệp đầy tự hào của chính mình, được cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ý thức được điều đó, hàng ngày, chúng tôi luôn cố gắng trau dồi không chỉ năng lực chuyên môn, y đức học hỏi từ các thầy cô, anh chị đi trước mà còn luôn tìm tòi, cải tiến công việc. 

Thầy thuốc trẻ hết lòng với nghề ảnh 3Bác sĩ Hà Trung Hiếu

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của bệnh viện, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tôi cùng các đồng nghiệp đã cải tiến, triển khai “Ứng dụng thực hiện Phiếu tường trình phẫu thuật trên hệ thống eHospital tại Bệnh viện Ung bướu”. Hiện tại, bình quân mỗi ngày bệnh viện phải thực hiện trên 100 phẫu thuật và thủ thuật khác nhau. Sau khi thực hiện phẫu thuật và thủ thuật, các bác sĩ phải thực hiện ghi nhận lại trong mẫu tường trình quy định của Bộ Y tế bằng tay. Việc số hóa giúp đơn giản hóa công việc; tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp, ghi nhận, lưu trữ các phiếu tường trình phẫu thuật và thủ thuật theo quy định; giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện. Sáng kiến được áp dụng từ tháng 11-2018 đến nay, giúp rút ngắn thời gian cho người thực hiện, đồng thời hạn chế các lỗi cơ bản, tránh việc xuất toán BHYT. 

Bác sĩ KIM PHÚC THÀNH-Bệnh viện Quận Thủ Đức

Sáng kiến phải thiết thực

Ngày 27-2 hàng năm, là ngày cán bộ nhân viên y tế bệnh viện kỷ niệm ngày truyền thống của ngành y. Đây là dịp để tôi tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành y tế nước ta đã đạt được, tôi càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn, mọi thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục góp thêm phần sức lực xây dựng ngành y tế nước nhà ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Thầy thuốc trẻ hết lòng với nghề ảnh 4Bác sĩ Kim Phúc Thành

Hiện nay, số lượng nghiên cứu về các nguyên nhân suy thận cũng như đánh giá khả năng tử vong với từng nguyên nhân còn hạn chế. Việc tôi lựa chọn đề tài “Khảo sát mối tương quan giữa các nguyên nhân suy thận trên bệnh nhân xơ gan với biến cố tử vong” xuất phát từ quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tôi nhận thấy, mối liên quan giữa các nguyên nhân suy thận với khả năng tử vong của bệnh nhân chưa được quan tâm đầy đủ để có các bước điều trị tích cực hơn. Đa phần các bệnh nhân xơ gan kèm suy thận, đều được quy cho nguyên nhân là hội chứng gan thận và thực tế điều trị còn nhiều hạn chế với chi phí cao. Với mong muốn trợ giúp bác sĩ phát hiện sớm hơn các nguyên nhân gây suy thận thường gặp và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân, tôi tự nhủ mình phải tìm tòi những sáng kiến có giá trị nhất, thiết thực nhất, thực tiễn nhất để bệnh nhân được điều trị đúng, với chi phí có lợi nhất.

Các tin khác