Ngày đầu tiên nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16

Thêm nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa cho TPHCM

(ĐTTCO) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 0 giờ ngày 19-7, 19 tỉnh, thành phía Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 Để không đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, nhiều giải pháp đã được triển khai, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa trong khu vực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Lập vùng đệm

Ngày 19-7, Sở Công thương TPHCM cho biết, tỉnh Tây Ninh đã chính thức mở cửa hoạt động bãi sang hàng hóa, nông sản tại Trạm xăng dầu Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nhằm đảm bảo hàng hóa từ Tây Ninh về TPHCM được thông suốt, an toàn.

Thời gian hoạt động của bãi bắt đầu từ 4 - 19 giờ hàng ngày. Đây là khu vực giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng, thuận tiện cho hàng hóa ở Tây Ninh trung chuyển vào TPHCM và đến các chợ đầu mối. Giải pháp này được Sở Công thương hai bên thống nhất trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hàng hóa từ Tây Ninh không chuyển thẳng về các chợ đầu mối tại TPHCM mà sẽ qua vùng đệm.

Ngày đầu tiên nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16: Thêm nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa cho TPHCM ảnh 1Vận chuyển nông sản từ Tiền Giang lên TPHCM bằng tàu cao tốc, ngày 19-7. Ảnh: NGỌC PHÚC

Cùng với vùng đệm tại Tây Ninh, TPHCM đang xem xét để đưa vào hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn để tăng cường lượng hàng hóa cho thị trường thành phố. Điểm trung chuyển được bố trí tại bãi đậu container rộng hơn 5.000m2 trong khuôn viên chợ. Xe tải chở hàng hóa từ nơi về sẽ được phun khử khuẩn nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch trước khi nhân viên bốc xếp chuyển hàng hóa từ xe tải lớn sang xe tải nhỏ để đưa đi tiêu thụ. Hiện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đang triển khai các bước chuẩn bị như: làm việc với các thương nhân đăng ký đưa hàng vào điểm trung chuyển, tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho những người làm việc tại địa điểm này để có thể đưa điểm trung chuyển tại chợ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Chuyển nông sản bằng tàu cao tốc

Ngày 19-7, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, tại bến phà Rạch Miễu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), các doanh nghiệp và HTX ở địa phương đã khởi hành chuyến vận chuyển luồng xanh đầu tiên đến TPHCM bằng đường thủy. Theo đó, khoảng 40 tấn hàng nông sản gồm các mặt hàng rau, củ quả tươi của các đơn vị cung ứng hàng hóa ở tỉnh Tiền Giang được đưa chuyển xuống tàu cao tốc Hãng Green Lines DP để chuyển về TPHCM ngay trong ngày 19-7.

Số hàng hóa này sẽ vận chuyển đến điểm cuối là bến cảng Bạch Đằng (TPHCM) với thời gian khoảng hơn 2 giờ. Sau đó, cứ 2 ngày sẽ có 1 chuyến chở hàng bằng đường thủy về TPHCM để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân TPHCM. 

Ngày đầu tiên nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16: Thêm nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa cho TPHCM ảnh 2Tàu cao tốc chở hàng hóa thiết yếu từ ĐBSCL lên TPHCM

Theo phương án phối hợp, tàu vận chuyển hàng hóa từ các cảng, bến thủy nội địa ở 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng (TPHCM) và ngược lại. Các thuyền trưởng, thuyền viên phải được tiêm vaccine phòng Covid-19 và có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của Bộ Y tế.

Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử một thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, trong suốt quá trình di chuyển, tàu thủy không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải được phun khử khuẩn trước khi khởi hành chuyến mới…

Trên đường bộ, ngày 19-7, ghi nhận tại chốt kiểm soát Thân Cửu Nghĩa (cao tốc Trung Lương - TPHCM) đã không còn tình trạng kẹt xe, tài xế xuất trình các loại giấy tờ và thực hiện 5K theo quy định thì sẽ nhanh chóng qua trạm. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng Công an huyện Tân Phước (Tiền Giang), địa phương nằm giáp với tỉnh Long An, bình quân hơn 60 lượt xe qua lại để chở nông sản mỗi ngày. Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát luôn tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn cho các tiểu thương đảm bảo nguyên tắc phòng dịch khi qua lại các chốt kiểm soát.

Tại Cần Thơ, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, việc khơi thông luồng xanh cho vận chuyển hàng hóa đã được thiết lập. Hàng hóa được đảm bảo lưu thông trong thành phố; cũng như giữa TP Cần Thơ với các tỉnh trong vùng và TPHCM được dễ dàng. Từ khi được khơi thông, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đã không còn xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, các mặt hàng phục vụ sản xuất cũng được đảm bảo”.

Tại Sóc Trăng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng Trần Quốc Thống cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã công bố, khơi thông nhiều luồng xanh quốc gia liên tỉnh và từ tỉnh đến huyện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp để khai thông luồng xanh đến tận cấp xã, phường và được giám sát chặt chẽ bởi các địa phương nơi đến, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ người dân và sản xuất bình thường.

Các tin khác