Tiền hỗ trợ thuê nhà trọ sẽ chuyển vào tài khoản người lao động

(ĐTTCO) - TPHCM bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn. Việc triển khai ra sao, NLĐ cần làm thủ tục gì và làm thế nào để tiền đến tay NLĐ nhanh nhất? 

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN LÂM, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về những nội dung này.

Tiền hỗ trợ thuê nhà trọ sẽ chuyển vào tài khoản người lao động ảnh 1Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM

Chuyển tiền hỗ trợ trong 2 ngày

Phóng viên: - Thưa ông, khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ được chuyển tới NLĐ bằng cách nào? 

Ông NGUYỄN VĂN LÂM: - Mức hỗ trợ đối với NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp là 500.000 đồng/người/tháng, còn NLĐ quay lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Mỗi NLĐ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng; thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng. 

Các công ty, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp - DN) sẽ chuyển khoản tiền hỗ trợ thuê nhà trọ vào tài khoản của NLĐ theo danh sách đã được UBND TP Thủ Đức và các quận huyện phê duyệt. NLĐ chưa có tài khoản tại ngân hàng sẽ nhận tiền trực tiếp. 

Để nhận hỗ trợ, NLĐ cần có đơn gửi DN tổng hợp. Trên cơ sở đó, DN sẽ tổng hợp danh sách và niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày. DN gửi danh sách đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc. Trong vòng 2 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận và chuyển trả lại DN. Sau đó, DN gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện. Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15-8.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện hoàn tất thẩm định, ban hành quyết định phê duyệt danh sách và cấp kinh phí hỗ trợ. Nếu không phê duyệt, các địa phương phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

- Những ai sẽ nhận được tiền hỗ trợ trong đợt này?

- Đối với NLĐ đang làm việc tại DN được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: là NLĐ ở thuê, ở trọ từ ngày 1-2 đến ngày 30-6; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1-4. 

Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: là người ở thuê, thuê trọ từ ngày 1-4 đến ngày 30-6; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện từ ngày 1-4 đến ngày 30-6, trừ trường hợp hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.  

Chú trọng giám sát việc chi hỗ trợ

- NLĐ, nhất là người mới quay trở lại thị trường lao động, có thể chưa kịp tham gia BHXH, có được hỗ trợ không? Ngoài ra, NLĐ tự do thì sao? 

- Nếu NLĐ đang làm việc trong DN hoặc quay trở lại thị trường lao động mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (theo khoản 4, Điều 2, Nghị định 115/2015/NĐ-CP) hoặc mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách hỗ trợ. Lao động tự do không có quan hệ lao động nên không thuộc diện được hỗ trợ.

- Nhiều NLĐ đi thuê nhà trọ chỉ có giao ước miệng hoặc hợp đồng thuê nhà tự lập với chủ nhà trọ, hợp đồng không có công chứng, chứng thực. Như vậy có đủ điều kiện được hỗ trợ không? 

- NLĐ không cần phải có hợp đồng thuê nhà, chỉ cần có xác nhận của chủ cơ sở cho thuê trọ là được. TPHCM chỉ giải quyết hỗ trợ đối với những NLĐ ở trọ trên địa bàn thành phố. NLĐ thuê trọ ở các tỉnh thành khác sẽ nhận hỗ trợ ở tỉnh thành nơi thuê trọ.

- Công tác kiểm tra, giám sát ra sao nhằm đảm bảo tiền hỗ trợ đến với tay NLĐ nhanh nhất và chính xác nhất? 

TPHCM thành lập 3 đoàn công tác để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ. Hàng tuần, Phòng LĐTB-XH các quận huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm chuyển danh sách NLĐ được chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho Công an TP Thủ Đức và các quận huyện. Ngành công an sẽ cập nhật, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin NLĐ. 

Đồng thời, việc giám sát được chú trọng. Công đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp sẽ thực hiện giám sát việc chi kinh phí của người sử dụng lao động đối với NLĐ; tiếp nhận phản ánh của DN, NLĐ để thông tin đến các cơ quan có liên quan hướng dẫn, giải quyết.

TPHCM có khoảng 2,34 triệu NLĐ có tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có 2,06 triệu NLĐ ở các DN. Khoảng 60% NLĐ ở các DN là lao động ngoài tỉnh và đa phần thuê trọ. Như vậy, ước tính có hơn 1 triệu NLĐ thuộc diện được hỗ trợ tiền nhà trọ trên địa bàn TPHCM.

Hà Nội rút gọn thủ tục hỗ trợ


UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, Hà Nội rút gọn thủ tục nhận hỗ trợ thông qua việc ủy quyền cho các quận huyện, thị xã xét duyệt, chi trả hỗ trợ cho NLĐ. Với việc ủy quyền này, thời gian giải quyết từ khi DN nhận đơn đề nghị đến khi tiền hỗ trợ về tới NLĐ khoảng 11-13 ngày. Sau khi được UBND quận huyện, thị xã xét duyệt, Phòng LĐTB-XH trực tiếp chi trả tiền cho DN trong 2 ngày.

Các tin khác