Tìm hiểu cách các gã khổng lồ công nghệ “hack tâm trí”

(ĐTTCO) - Cuốn sách “Offline: Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội” của 2 tác giả Imran Rashid và Soren Kenner sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin về cách các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Apple, Google và Instagram… sử dụng cách “hack tâm trí” để khiến bạn và con bạn bị cuốn hút vào các sản phẩm của họ.
Tìm hiểu cách các gã khổng lồ công nghệ “hack tâm trí”
Tác phẩm cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, các thiết bị kỹ thuật số và ứng dụng đi kèm đang gây ra các loại ô nhiễm và khiến một phần cuộc sống của các cá nhân và cộng đồng ngày càng tồi tệ hơn. Các tác giả cảnh báo hàng trăm triệu người đang phải hứng chịu các ô nhiễm kỹ thuật số, gây độc hại cho cơ thể và tâm trí không kém các chất gây ô nhiễm môi trường khác.
Về mặt tâm lý, việc nghiện các thiết bị số làm đầu óc kém hoạt bát, giảm thiểu khả năng kiểm soát xung động, tăng mức độ của các hành vi bốc đồng, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, hành vi phản ứng ngày càng gia tăng, hành vi chủ động ngày càng ít đi; thời gian chú ý bị rút ngắn; khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng giảm sút; ít kiểm soát được bản thân làm lòng tự trọng bị suy giảm; cảm thấy cuộc sống của mình thua kém nhiều người khác, không yêu bản thân.
Về mặt xã hội, người nghiện các thiết bị kỹ thuật số sẽ có tương tác thực ngoài xã hội bị giảm sút, có ít lòng thông cảm với người khác, sợ bị bỏ rơi, dễ dàng tham gia vào các hành vi tiêu cực như bắt nạt hội đồng; nhìn nhận hiện thực lệch lạc, giảm gắn kết xã hội, thậm chí gia tăng chống đối xã hội. 
Đây là hậu quả không lường trước được và ngoài mong muốn. Điều đáng nói các tập đoàn công nghệ khổng lồ đã sử dụng các nghiên cứu về não bộ con người để tạo ra các thiết kế gây nghiện cho người dùng, để tận lực khai thác làm đầy thêm túi tiền của mình. Thiết kế gây nghiện có rất nhiều kiểu ngụy trang: núp dưới hình thức các thông báo, biểu tượng cảm xúc, câu chuyện thú vị có kết thúc bỏ lửng, mấy câu thả thính, hiệu ứng vuốt màn hình liên tục, nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (FOMO) và các hiệu ứng khác.
Tất cả đều được thiết kế để khơi gợi, khiến người dùng tò mò mở màn cuộc đọ súng với các yếu tố kích hoạt dopamin của mình và khởi phát một chu kỳ thèm muốn - hành động - phần thưởng. Hiệu ứng này thường được gọi là độ dính, cực kỳ có giá trị đối với các công ty đang cạnh tranh để thu hút và bán lại sự thu hút sự chú ý của người dùng. Đổi lại hiệu ứng này gây ra hàng loạt tác hại cho người dùng như đã kể trên, khiến họ có một cái nhìn méo mó về thế giới, thậm chí còn khiến họ nhìn nhận sai lệch về chính bản thân mình.
Do đó, công nghệ luôn là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức, hướng tới một mục tiêu tích cực và có trọng tâm có thể mang lại lợi ích to lớn. Ngược lại, nếu sử dụng liên tục không có mục đích, sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp.
Tác giả cuốn sách TS. Imran Rashid là một chuyên gia công nghệ thông tin và bác sĩ gia đình, ông hiện đang là Trưởng phòng đổi mới của Aleris-Hamlet, Bệnh viện tư nhân lớn nhất Đan Mạch. Trong khi đó tác giả Soren Kenner là một nhà kinh doanh và tiếp thị trực tuyến thành công, ông từng là CEO của McCann MRM EMEA, công ty quảng cáo chuyên làm việc với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. 

Các tin khác