TPHCM đề xuất phương án đi học lại từ ngày 3-1-2022

(ĐTTCO) - Sáng 24-12, tại buổi họp giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận huyện đã đề xuất nhiều phương án mở rộng đối tượng học sinh đến trường từ ngày 3-1-2022.

Học sinh Lê Hồng Phong đi học trở lại ngày 13-12-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Học sinh Lê Hồng Phong đi học trở lại ngày 13-12-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lo ngại sĩ số

Huyện Củ Chi hiện nay là địa phương duy nhất trên địa bàn TPHCM lùi thời gian tổ chức cho học sinh đi học trở lại so với kế hoạch chung của UBND TPHCM. Tuần qua, huyện này chỉ thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục duy nhất là Trường THPT Quang Trung. Đánh giá kết quả sau một tuần thực hiện, ông Nguyễn Huỳnh Long, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết, tỷ lệ học sinh khối 12 trở lại trường đạt 95%. Từ ngày 27-12, địa phương sẽ tổ chức thêm một điểm học nữa là THPT An Nhơn Tây; các trường THCS vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến.

Tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT, thông tin, tỷ lệ học sinh 2 khối 9 và 12 đến trường trong những ngày gần đây đạt hơn 93%, tăng nhẹ so với thời điểm mới thực hiện kế hoạch thí điểm của UBND TPHCM (từ ngày 13-12). Khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là còn một trường THCS được trưng dụng phục vụ phòng chống dịch Covid-19, học sinh của trường này phải học chung với một trường THCS khác trên cùng địa bàn. Đề xuất về phương án tổ chức cho học sinh đi học lại từ ngày 3-1-2022, đại diện Phòng GD-ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục sẽ bố trí phân nửa số lượng học sinh đi học vào ngày chẵn và nửa còn lại đi học ngày lẻ, dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú để tránh tình trạng học sinh về nhà giữa trưa nắng, đảm bảo thời gian đi làm cho phụ huynh.

Đối với quận Tân Phú, theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT Trần Trọng Khiêm, hiện nay mỗi trường THCS và THPT chỉ có học sinh một khối đi học; tất cả bộ phận trong nhà trường được huy động hỗ trợ việc tổ chức đi học của khối đó. Từ ngày 3-1-2022, nếu UBND TPHCM có chủ trương mở rộng đối tượng học sinh đến trường, số lượng học sinh đi học tăng lên, yêu cầu về cơ sở vật chất và lực lượng tham gia giám sát đảm bảo quy định về phòng chống dịch sẽ trở thành vấn đề nan giải đối với các trường. Trước thực tế đó, quận Tân Phú kiến nghị thành phố có lộ trình tổ chức phù hợp, trong đó ở bậc THCS cân nhắc quyết định cho học sinh khối 7 và 8 đi học lại, riêng khối 6 sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến vì các em chưa thuộc đối tượng tiêm vaccine Covid-19. Về lâu dài, nếu số lượng học sinh đi học trực tiếp tăng lên sẽ phát sinh chi phí mua sắm trang thiết bị y tế trong trường học, cần thêm hướng dẫn về nguồn chi từ cơ quan quản lý.

Riêng tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT, đề xuất mở rộng đối tượng học sinh học trực tiếp đối với các khối 7, 8, 10 và 11, đồng thời kiến nghị có thêm hướng dẫn đối với việc tổ chức hoạt động trở lại của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trong bối cảnh học sinh nhiều khối lớp đã được đến trường.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Đối với huyện Củ Chi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đề nghị Phòng GD-ĐT tham mưu lãnh đạo UBND huyện có kế hoạch tổ chức đi học lại cho học sinh phù hợp với chủ trương chung của thành phố, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch và quyền lợi của học sinh. Để làm tốt nhiệm vụ này, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh. Trong đó, việc thực hiện nguyên tắc 5K, kê khai y tế, rửa tay thường xuyên cần được truyền thông liên tục để trở thành thói quen và thực hiện hiệu quả đối với học sinh.

TPHCM đề xuất phương án đi học lại từ ngày 3-1-2022 ảnh 1

Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá tình hình tổ chức trong 2 tuần thí điểm, phòng GD-ĐT các quận huyện đề xuất phương án mở rộng đối tượng học sinh đến trường. Trước mắt, từ ngày 27 đến ngày 31-12, học sinh 2 khối 9 và 12 vẫn đi học bình thường, riêng huyện Cần Giờ tiếp tục duy trì kế hoạch như trong 2 tuần qua. Việc mở rộng đối tượng học sinh đến trường sau ngày 3-1-2022 cần chú ý đặc thù riêng của từng địa phương và tình hình thực tế tại cơ sở giáo dục, có độ mở trong các quy định về bố trí thời khóa biểu, tránh việc áp dụng chung một khuôn mẫu cho tất cả cơ sở giáo dục trên cùng địa bàn quận, huyện.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Trịnh Duy Trọng lưu ý, lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận huyện trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp cần thường xuyên kiểm tra, ghi nhận tình hình thực tế để kịp thời tham mưu UBND quận, huyện có chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các trường học, đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh. Hiện nay, theo khuyến cáo của ngành y tế, song song với việc bố trí dung dịch sát khuẩn tay trong lớp học, trường học cần bố trí thêm khu vực bồn rửa tay trực tiếp cho học sinh với nước sạch và xà phòng. Tới đây, nếu mở rộng đối tượng học sinh đến trường, các trường chủ động rà soát lại phương án tổ chức, dự kiến sơ đồ bố trí nhân lực để tổ chức đón học sinh đảm bảo yêu cầu an toàn.

Chăm sóc học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải được các địa phương tiến hành thường xuyên và liên tục, tránh bỏ sót đối tượng. Sở GD-ĐT yêu cầu phòng GD-ĐT các quận huyện cập nhật hàng tuần danh sách học sinh mồ côi và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để chăm lo phù hợp.

Trong tuần tới, 1.834 máy tính bảng đầu tiên của chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ được trao đến tay học sinh. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ trao tặng 400 phần quà cho học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 1 triệu đồng.

Các tin khác