TPHCM không thiếu xăng dầu

(ĐTTCO) - Trước thông tin TPHCM có nguy cơ thiếu xăng dầu cũng như những ngày qua xuất hiện một số cửa hàng phải đóng cửa vài giờ trong ngày do không nhập được hàng, chiều 26-5, đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn dồi dào.

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn TP có 545 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu; 43 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý và 16 đại lý bán lẻ. Các đơn vị này hiện vẫn hoạt động bình thường với sản lượng tiêu thụ ở mức 200.000m³/tháng (6.500m³/ngày).

Bên cạnh đó, tổng sản lượng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong quý 2-2020 dự kiến khoảng 3.033.807 tấn, cao hơn khoảng 200.000 tấn so với quý 1-2020. Đây cũng là cơ sở để khẳng định nguồn xăng dầu không khan hiếm. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi đó, liên quan việc nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều ngày qua đóng cửa, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết là do không còn hàng để bán. Theo ông Lê Văn Quý, chủ DN tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), DN của ông có 3 cửa hàng xăng dầu ở xã Ea Tóh, xã Đliê Ya và thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) thì 2 cửa hàng phải tạm thời đóng cửa. “Hiện nay Nhà nước quy định giá bán xăng A95 là 12.470 đồng/lít, dầu 10.040 đồng/lít. Trong khi đó đơn vị phân phối xăng dầu thông báo giá xăng A95 giao tận nơi là 12.570 đồng/lít, dầu là 10.090 đồng/lít. Mặc dù giá xăng mua vào cao hơn bán ra, DN đang phải bù lỗ nhưng mấy ngày qua nhiều lần liên hệ đơn vị phân phối đề nghị cung ứng thì phía đối tác đều báo đã hết hàng”, ông Quý nói. 

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Do diễn biến của dịch Covid-19 nên thời gian qua nguồn hàng từ các nước sản xuất xăng dầu có phần hạn chế, khan hiếm. Bên cạnh đó, hiện giá xăng dầu mua vào cao hơn bán ra nên một số doanh nghiệp tư nhân bán lẻ tạm thời ngừng bán vì sợ thua lỗ. Hiện sở đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và đang làm văn bản báo cáo Bộ Công thương về tình trạng trên”. 

Theo quy định hiện hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy nếu cửa hàng muốn đóng cửa nghỉ bán phải xin phép trước 30 ngày và phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nếu không chấp hành sẽ bị phạt tiền và phạt bổ sung tước giấy phép 3 tháng. 

Liên quan vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông vừa ký 4 văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan đề nghị bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố giám sát chặt việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp…; đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị phối hợp với sở công thương trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm.  

Vụ Thị trường trong nước yêu cầu các nhà máy lọc dầu tăng công suất, sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới; đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu mà doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp; có phương án nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới.

Các tin khác