TPHCM: mô hình kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

(ĐTTCO) - TPHCM là điểm nóng nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, với số ca nhiễm, số ca tử vong tăng rất nhanh và liên tục. Số ca nhiễm Covid-19 (F0) đầu tiên tại TPHCM vào ngày 29-4, đến 1-10 tổng cộng số ca nhiễm gần 400.000 ca.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong làn sóng dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, nguy hiểm, mức độ lây lan nhanh, chính quyền TPHCM đã có những mô hình chống dịch hay, chiến lược hiệu quả, nhờ đó đã từng bước đẩy lùi và tiến tới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Với quyết định kịp thời của ngành y tế TPHCM chuyển từ mô hình điều trị 5 tầng sang mô hình điều trị 3 tầng, đã kéo giảm số ca tử vong xuống nhanh từ khoảng 200 người/ngày xuống dưới 100 người/ngày (Hình 2).
Đồng thời, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng.
Có nhiều chỉ dấu tích cực cho thấy dịch Covid-19 ở TPHCM đã đạt đỉnh vào thượng tuần tháng 9-2021 và hình thành xu hướng giảm bền vững cho đến cuối tháng 9-2021. Điểm “nút” cực kỳ quan trọng thứ hai được nhận diện là xu hướng số ca xuất viện của bệnh nhân Covid-19 trong ngày đã bắt đầu tiệm cận (ngày 26-9) và vượt qua số ca nhập viện hàng ngày khá rõ rệt vào cuối tháng 9-2021 (Hình 1).
TPHCM: mô hình kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ảnh 1 Hình 1: Số ca xuất viện và số ca nhập viện từ 15-9 đến 3-10 ở TPHCM (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) TPHCM)
Số ca tử vong do Covid-19 ở TPHCM bắt đầu xu hướng giảm rõ rệt, bền vững kể từ ngày 15-9, đặc biệt đến ngày 30-9, số ca tử vong lần đầu tiên xuống mức 2 con số là 96 người (Hình 2).
Việc kéo giảm được tỉ lệ tử vong tại TPHCM là một trong những biến số quan trọng, cùng với xu hướng dịch qua đỉnh, tương quan số ca xuất viện vượt số ca nhập viện và quy mô bao phủ vaccine trên 90% (mũi 1) là cơ sở để chính quyền TPHCM quyết định chuyển sang chiến lược phòng chống dịch mới - thích ứng, linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 kể từ sau ngày 30-9.
Tuy nhiên, sau khi TP bắt đầu "mở cửa" trở lại, số ca bệnh nhân tử vong lại tăng ở mức trung bình 60-70 ca mỗi ngày, ngày 5-12 là 94 ca, chủ yếu xảy ra ở nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nền, những người chưa tiêm vaccine hoặc chưa đủ liều.
TPHCM: mô hình kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ảnh 2 Hình 2: Số ca tử vong do Covid-19 từ ngày 15-9 đến 3-10 ở TPHCM (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) TPHCM)
Như vậy, có thể thấy trước diễn biến cực kỳ phức tạp, tình trạng khẩn cấp trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, chính quyền TP đã chủ động triển khai nhiều biện pháp liên tục và quyết liệt, cùng với các mô hình phòng chống dịch hiệu quả, nhờ đó, giúp TPHCM cơ bản kiểm soát được tình hình và bước đầu trở lại quỹ đạo bình thường mới. 
Đạt được kết quả trên do lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền TP đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, tập trung, thống nhất bảo đảm huy động cả hệ thống chính trị và cả thành phố, thực hiện hiệu quả chiến lược “mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”. 
Bên cạnh đó, TP ứng dụng công nghệ số để phát hiện, ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19, để chăm sóc các bệnh nhân, giảm áp lực cho hệ thống y tế, giúp đánh giá chính xác được tình hình và kịp thời đưa ra quyết định kịp thời, phù hợp trong “trận chiến” chống dịch Covid-19. 
Tuy nhiên, sau thời gian phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội kéo dài, “đầu tàu kinh tế” TPHCM đã bị tổn thương nặng nề. Quý III-2021, kinh tế TPHCM đã rơi vào suy thoái sâu, trên một nửa dân số gặp khó khăn, hơn 80% doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực. Cùng với việc đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine, Chính phủ đã chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. 
TPHCM: mô hình kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ảnh 3
Để đạt mục tiêu an toàn trong điều kiện bình thường mới, TP cần ban hành những hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, cần thống nhất căn cứ vào “Thẻ Xanh Covid” coi đây là công cụ đánh giá điều kiện phòng chống dịch để tham gia hoạt động mở cửa.
Bên cạnh đó, phải coi công nghệ số là một trong những nền tảng quan trọng để thu thập dữ liệu về các ca F0 nặng và nguyên nhân tử vong liên quan đến độ tuổi, bệnh nền, tình trạng tiêm và loại vaccine, để tìm ra nguyên nhân nhằm kiểm soát và kéo giảm tỉ lệ tử vong cao ở TPHCM. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo khả năng thu dung, điều trị dịch Covid-19, đảm bảo đủ giường bệnh cho bệnh nhân, đảm bảo nhân sự chăm sóc cho F0 cần điều trị, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chưa bao giờ TPHCM phải đứng trước một quyết định “cân não” của ngày 30-9: nới lỏng giãn cách để từng bước trở lại trạng thái bình thường mới hoặc tiếp tục cách ly xã hội. 
Nếu nới lỏng giãn cách trong điều kiện chưa chín muồi, giải pháp thiếu khả thi sẽ đối mặt với dịch tái bùng phát, thành quả chống dịch của TPHCM cùng cả nước sau hơn 4 tháng sẽ trở nên vô nghĩa và kịch bản đáng sợ hơn, hàng ngàn người dân phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cách ly xã hội, “đầu tàu kinh tế” TPHCM sẽ sụp đổ là hiện hữu và gây hậu quả khôn lường. Bởi TPHCM đã chứng kiến tăng trưởng GRDP quý III-2021 âm 24,39% và tính tổng 9 tháng năm 2021 âm 4,98% so với cùng kỳ năm 2020.
Do đó, Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 30-9 là một quyết định mang tính lịch sử của UBND TPHCM, trên cơ sở phân tích toàn diện, sâu sắc, khoa học hiện trạng và tiên lượng sát thực diễn biến dịch bệnh, cùng với lộ trình và giải pháp thích ứng phù hợp. Thực tiễn đến nay qua hơn 2 tháng nới lỏng giãn cách đã kiểm định và củng cố vững chắc cho quyết định chuẩn xác này, đến ngày 1-12 tổng số ca nhiễm của TP giảm xuống trung bình 1.330 ca/ngày. 
Bức tranh kinh tế của TPHCM đã bắt đầu có những động thái và dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp TPHCM tháng 10-2021 ước tính tăng 23,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 27% so với tháng 9-2021; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này là minh chứng cho quyết định của Chính quyền TPHCM “nới lỏng” giãn cách sau ngày 30-9. 
Dù vậy, phía trước dịch bệnh còn diễn biết rất phức tạp, khó lường và hàm chứa nhiều ẩn họa. Để khắc phục những hạn chế trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua, TPHCM cần kiên định với mục tiêu, lộ trình của Chỉ thị 18/CT-UND, cùng với 5K và tỷ lệ bao phủ vaccine, ứng dụng công nghệ số vào phòng chống dịch để bảo đảm “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong điều kiện mới.

Các tin khác