TPHCM tái ô nhiễm không khí

(ĐTTCO)-Ô nhiễm không khí đang tái diễn trên địa bàn TPHCM những ngày qua, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân, nhất là mức độ nhiễm bụi mịn.
TPHCM tái ô nhiễm không khí

Tình trạng này cũng được dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm. PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TPHCM, cho biết, trong thời gian gần đây, chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM diễn biến không tốt. Dự kiến, từ nay đến hết năm, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố sẽ duy trì mức trung bình. Riêng nồng độ bụi mịn vượt tiêu chuẩn cho phép. 

Những diễn biến ô nhiễm không khí trên đã minh chứng cho thực tế chuyển đổi khí hậu theo mùa ảnh hưởng nhất định đến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Cụ thể, vào giao mùa từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, khu vực thành phố sẽ chịu ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường từ khu vực miền Bắc, cộng với độ ẩm trong không khí tăng khiến các chất ô nhiễm lơ lửng ở tầng thấp, gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của người dân. 

Có thể thấy, khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông đã thải ra môi trường rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2... Các loại khí này gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Ở góc độ khác, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho rằng, nguyên nhân không khí thành phố ô nhiễm một phần phát sinh từ các bãi rác tự phát. Hiện nay, việc thu gom rác khu vực nội thành của thành phố đạt 100%, nhưng khu vực ngoại thành tỷ lệ thu gom chỉ đạt 70%-80%. Nguyên nhân là do khu vực ngoại thành còn nhiều khu đất trống, ao vườn nên một bộ phận không nhỏ người dân tự xử lý rác tại khu đất của mình, hoặc vứt ra ngoài các khu đất trống, ít nhiều gây ô nhiễm cục bộ. Không chỉ vậy, sự bất cập trong việc chuyển giao rác thải giữa lực lượng thu gom rác dân lập và công lập tại các điểm trung chuyển cũng làm phát sinh ô nhiễm khí thải cục bộ tại khu vực này, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân.

Cải thiện chất lượng ô nhiễm không khí là cấp thiết. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ giải pháp căn cơ. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, trước hết phải giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Muốn làm được vậy, cần phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động phương tiện giao thông công cộng. Đối với hoạt động sản xuất, hiện Luật Bảo vệ môi trường đã hoàn thiện. Vấn đề quan trọng là phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Riêng với các điểm tập kết, trung chuyển rác, cần đẩy nhanh công tác quy hoạch địa điểm và đầu tư hạ tầng tiếp nhận hiện đại. Bên cạnh đó, chuẩn hóa đội ngũ, trang thiết bị thu gom rác của lực lượng rác dân lập, đưa vào quản lý để nâng cao chất lượng hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. 

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt. Chính phủ yêu cầu các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, 4 bánh không được tham gia giao thông. Đồng thời triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả và căn cơ chất lượng không khí cho thành phố.

Các tin khác