TP.HCM thí điểm đi học lại từ 13-12: Nhiều trường 'tiến thoái lưỡng nan'

(ĐTTCO)-Nhiều trường học ở TP.HCM đang đứng trước tình trạng nan giải khi thống kê số lượng học sinh đến trường học thí điểm ngày 13-12 không cao.
Ban giám hiệu và giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) họp triển khai các phương án đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ban giám hiệu và giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) họp triển khai các phương án đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong khi đó, các trường THCS cũng gặp khó khăn riêng khi phụ huynh lo ngại việc trở lại học sẽ ảnh hưởng kết quả xét vào lớp 10 của con trong năm học sau.

Khó khăn xếp lớp

"Lúc đầu nghe tin mở cửa trường, giáo viên trường tôi vui lắm. Nhưng sau khi khảo sát thấy cả trường chỉ hơn 10 học sinh lớp 1 sẽ đi học thì thầy cô bắt đầu suy nghĩ. Mặc dù chỉ hơn 10 học sinh đi học nhưng tất cả ban bệ trong trường cũng phải có mặt để vận hành suôn sẻ các hoạt động như ban giám hiệu, nhân viên văn phòng, nhân viên tạp vụ, bảo mẫu, bảo vệ... Tính ra, số người làm việc để phục vụ hơn 10 học sinh cũng tương đương bằng số học sinh đi học" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở ngoại thành TP.HCM cho biết.

Cũng theo hiệu trưởng trên: "Việc xếp lớp cũng đang gây nhiều khó khăn cho chúng tôi vì số lượng học sinh ít, mỗi lớp vài em thì bắt buộc nhà trường phải ghép lớp để dạy. Nhưng có phụ huynh không đồng ý vì cho rằng con em họ đã quen với cô giáo chủ nhiệm từ đầu năm học đến giờ. Do đó, khi đi học, họ cũng muốn con mình được học với cô chủ nhiệm chứ không học với giáo viên khác".

Trong khi đó, một hiệu trưởng ở quận 1 cũng thông tin: "Khi ghép lớp để dạy trực tiếp, chính các giáo viên cũng không đồng tình chứ không chỉ phụ huynh. Giáo viên phân tích là họ dạy trực tuyến từ đầu năm đến nay, biết được khả năng, ưu - khuyết điểm của từng em nên có phương pháp giảng dạy theo hướng cá thể hóa. Nay nhà trường chuyển em đó qua cho giáo viên khác dạy thì họ không thể chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của các em. Thật là tiến thoái lưỡng nan!".

Sợ ảnh hưởng kết quả vào lớp 10

Ở bậc học lớn hơn, hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành TP.HCM kể: "Một số phụ huynh lớp 9 đã bày tỏ rằng việc học trực tuyến đang rất tốt, học sinh đang ở nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài thì nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp. Phụ huynh cũng nhẹ nhõm khi không phải đưa đón con đi học. Đã vậy, các đợt kiểm tra định kỳ và thường xuyên thời gian qua học sinh lại đạt điểm rất cao".

Theo lời hiệu trưởng trên: "Một số phụ huynh mong muốn tiếp tục dạy trực tuyến để con em họ được làm bài kiểm tra cuối học kỳ I bằng phương thức trực tuyến. Họ nói kiểm tra trực tuyến đề thi dễ hơn trực tiếp. Nếu kiểm tra trực tiếp thì đề thi khó hơn, học sinh khó đạt được điểm cao như thời gian qua, như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả xét tuyển vào lớp 10 sau này.

Tôi phải giải thích rằng sở dĩ điểm kiểm tra của học sinh thời gian học trực tuyến rất cao là vì đề kiểm tra nhà trường cho ra các câu hỏi chỉ ở mức nhận biết. Hiện Sở GD-ĐT TP vẫn duy trì kỳ thi vào lớp 10 chứ chưa có quyết định xét tuyển vào lớp 10. 

Nếu quy định trên vẫn được giữ thì cuối năm học này, các em học sinh lớp 9 sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 rất cam go, đề thi ra theo ma trận với các dạng câu hỏi ở 4 mức nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp - vận dụng cao chứ không phải chỉ ở mức nhận biết như đề kiểm tra trong trường...".

Kiểm tra học kỳ I từ 10 đến 22-1

Ngày 6-12, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022 ở các trường THCS, THPT trên địa bàn. Thời gian kiểm tra từ ngày 10 đến 22-1-2022.

Theo đó, vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối học kỳ, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì kiểm tra trực tuyến.

Đối với học sinh học hòa nhập, thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch dạy học cá nhân đã điều chỉnh. Đối với các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội... không thể tham gia kiểm tra cuối học kỳ từ 10 đến 22-1-2022, trường xem xét cho học sinh kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết hình thức, cấu trúc đề kiểm tra cuối học kỳ (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi...) do hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn.

Các tin khác