TPHCM triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết

(ĐTTCO)-Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng gấp 2 và 3 lần so với tháng thường.
TPHCM triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết

Nhằm chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những tháng cuối năm 2020 và chuẩn bị hàng Tết 2021, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đặc biệt, kế hoạch này nhận được sự hưởng ứng và đồng hành tích cực của nhiều thương hiệu mạnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, theo kế hoạch doanh nghiệp sẽ sản xuất, chuẩn bị, dự trữ và cung ứng hàng hóa cho hai tháng trước và sau Tết sẽ đạt khoảng 19.680 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với nguồn vốn của kế hoạch Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong số đó, giá trị nguồn cung bình ổn thị trường sẽ đạt gần 7.133 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp Âm lịch) thì tổng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp sẽ đạt 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường 4.172,4 tỷ đồng.

Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng gấp 2 và 3 lần so với tháng thường.

Theo đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng hàng hóa trong kế hoạch cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng 4,4%-17,3% so với kế hoạch ủy ban nhân dân Thành phố giao.

Trong số đó, nhiều nhóm hàng sẽ được sản xuất, chuẩn bị với số lượng lớn như thịt gia súc 5.594 tấn, thịt gia cầm 7.488,2 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn, gạo 3.943 tấn...

Các doanh nghiệp chủ lực cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 có thể kể đến như công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, trách nhiệm hữu hạn Ba Huân; gạo Vinh Phát, đường Thành Thành Công, nước mắm Liên Thành, rau củ, quả Phước An...

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực phân phối có sự tham gia của nhiều thương hiệu mạnh như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty thương mại Sài Gòn -Trách nhiệm nhiệm hữu hạn Một thành viên Satra, Big C, Bách hóa Xanh...

Liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành công thương thành phố đã kết nối với nhiều địa phương để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là những đơn vị nằm trong chuỗi cung hàng hóa cho thành phố.

Ngoài ra, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng làm việc với doanh nghiệp bình ổn thị trường và họ cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng Tết.

Ghi nhận kế hoạch chuẩn bị sản xuất, kinh doanh hàng Tết tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy song song với việc thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sẽ triển khai đa dạng chương trình khuyến mãi, giảm giá sau trong những ngày cận Tết, áp dụng cho nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau củ, quả, bánh, kẹo...

Còn doanh nghiệp, nhà bán lẻ, hệ thống phân phối... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hoạt động ưu đãi dao động ở mức 5%-49%.

Thống kê của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 đạt 115.367 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và giảm 5% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10/2020, hầu hết ngành hàng đều tăng so với tháng trước, chỉ trừ doanh thu dịch vụ lữ hành tiếp tục giảm do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, đồng thời việc mở cửa các quốc gia an toàn dịch là tín hiệu khả quan cho ngành du lịch trong thời gian sắp đến.

Đặc biệt, để kích cầu tiêu dùng trong tháng 11 này, các đơn vị bán lẻ, du lịch, dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai đồng loạt hoạt động khuyến mãi hàng tiêu dùng.

Các tin khác