Trăm năm Lưu Hữu Phước

(ĐTTCO) - Thị trấn Ô Môn - vựa lúa của xứ “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, là nơi chào đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Má La Thị Xinh sanh ra cậu con trai này thật đặc biệt. Đó là ngày 12-9-1921. Cậu bé sanh nhằm giờ Dậu, ngày Dậu, tháng Dậu (sắp rằm Trung Thu) và năm Tân Dậu 1921. 
Cái tứ trùng này là điềm lành, nên thầy giáo Lưu Nhân - ba của Lưu Hữu Phước, mới đặt tên con trai mình như vậy (có nghĩa là hưởng phúc).
Lưu Hữu Phước đã không phụ lòng ba má. Đến tuổi học là làu làu “Tam tự kinh”, “Minh tâm bửu giám”. Lên 9 tuổi, Lưu Hữu Phước đã học đờn kìm của thày Ngô Đảnh - người Phú Yên. Chỉ một tuần, Phước đã thuộc ngay hai mươi câu “vọng cổ” nhịp tám. Âm nhạc đã ngấm vào Phước từ thuở nằm nôi khi mẹ ru “Lý con sáo”, “Bình bản”, “Kim tiền”, “Lý bốn mùa”…
Cây mandoline bị hỏng ai đó vất đi đã được ba Phước xin về, trở thành nhạc khí đầu tiên của cậu bé yêu âm nhạc. Cây đàn được Phước tự làm phím tre, cuốn dây đàn bằng tơ đã giúp Phước nhập vào Trường Collège Cần Thơ với năng khiếu âm nhạc năm 12 tuổi.
Trăm năm Lưu Hữu Phước ảnh 1
Ở Collège Cần Thơ, thầy Phạm Văn Bạch như luồng gió tư tưởng mới mẻ thổi giữa vầng hào quang rực rỡ, khiến những học trò như Nguyễn Việt Nam, Trần Bửu Kiến, Nguyễn Mỹ Ca, Quách Vĩnh Chương, Tạ Thanh Sơn và Lưu Hữu Phước bừng tỉnh một tinh thần dân tộc.
Chưa hề đến sông Hương, xứ Huế lần nào, cậu bé 12 tuổi Lưu Hữu Phước đã liều mạng viết bài hát “Trên sông Hương”, còn trước cả người đàn anh Nguyễn Văn Thương cũng với tựa đề này. Ngay sau đó vài năm, bản nhạc “Giang sơn gấm vóc” viết cho đờn kìm như một lời chào tuổi 15 của Lưu Hữu Phước.
16 tuổi, Lưu Hữu Phước lên thành đô Sài Gòn nhập Trường Ly cée Pétruský. Ở đó cùng Trần Văn Khê và Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước lập ra Câu lạc bộ học sinh, với những sáng tác tươi ròng tuổi trẻ. 19 tuổi, Lưu Hữu Phước ra học đại học ở Hà Nội. Ngay trên chuyến tàu xuyên Việt, hành khúc “Ta cùng đi” đã được ông viết ra.
Ở Hà Nội, ông trở thành chủ soái của phong trào “Tổng hội sinh viên” với những hành khúc yêu nước như “Bạch Đằng Giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Tiếng gọi thanh niên”, đặc biệt là sáng tác âm nhạc cho vở nhạc kịch đầu tiên “Tục lụy” với lời thơ của Thế Lữ.
Sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của Lưu Hữu Phước đã như được thiên định thuở thiếu thời, và cứ thế chiếu sáng mãi qua nhiều thập niên biến động của lịch sử Việt Nam.
Năm 1944, Lưu Hữu Phước trở về Nam cùng những hành khúc mới ông vừa viết ra, như “Xếp bút nghiên”, “Mau về Nam”, “Gieo ánh sáng”, “Hờn sông Gianh”. Về Sài Gòn, Lưu Hữu Phước cùng bạn bè tham gia tranh đấu, làm báo Thanh niên. Những hoạt động ấy đã khiến ông bị bắt vào tháng 10-1944 và bị giam mấy tháng.
Ra tù, ông cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ lập nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu. “Lên đàng” là bản hành khúc ông viết cho phong trào “Thanh niên Tiền phong”. Khi Sài Gòn khởi nghĩa, ông viết ngay “Khúc khải hoàn”. 
Sau ngày Nam bộ kháng chiến, cuối 1945 Lưu Hữu Phước được điều ra Hà Nội. Ở thủ đô, ông mở nhà sách Hoàng Mai Lưu II ở số 8 Hàng Ngang. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lưu Hữu Phước lên Việt Bắc, lãnh đạo “Đoàn nhạc kịch thiếu nhi kháng chiến”.
Vở ca kịch “Hái hoa dâng Bác” được ông viết nhân dịp kỷ niệm 60 năm sinh nhật Bác (19-5-1950) và do Đoàn thiếu nhi trình diễn. Ông còn viết “Tuổi hai mươi”, “Lãnh tụ ca”, “Đông Nam Á Châu”. 
Khi Đoàn văn công Nhân dân Trung ương thành lập, Lưu Hữu Phước được điều về làm phó đoàn cùng trưởng đoàn Nguyễn Xuân Khoát. Đấy là những ngày ông cùng ban lãnh đạo đoàn kiên trì chí hướng đi theo âm nhạc truyền thống. Vừa cùng anh em sang Berlin (CHDC Đức) tham gia Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ hai, ông lại cùng anh em đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đầu 1956 Lưu Hữu Phước chuyển sang làm Trưởng ban nghiên cứu nhạc vũ trong Vụ nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa. Cùng anh em nghiên cứu và xuất bản cuốn “Dân ca quan họ”, Lưu Hữu Phước vẫn tiếp tục tuôn chảy mạnh hành khúc của mình qua các tác phẩm “Dưới cờ Đảng vẻ vang”, “Cả cuộc đời về ta”. 
Thời gian này, Lưu Hữu Phước cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ viết bài hát dành cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. “Giải phóng miền Nam” đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy, với cái tên ghép ba người: Huỳnh Minh Liêng song do giới thiệu sai nên trở thành Huỳnh Minh Siêng. Sau “Giải phóng miền Nam”, với biệt danh Long Hưng, Lưu Hữu Phước viết “Bài ca giải phóng quân”, “Giờ hành động” (thơ Thanh Hải) và cùng Hoàng Hiệp (biệt danh là Lưu Nguyễn) viết “Hành khúc giải phóng”.
Khi Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Lưu Hữu Phước lại viết ngay “Sẵn sàng chiến đấu” và “Thanh niên ba sẵn sàng”. Sau đó Lưu Hữu Phước có cuộc hành hương phương Nam lần thứ hai rất ngoạn mục. Để vào chiến khu R ở Đông Nam bộ, Lưu Hữu Phước đã bay từ Hà Nội sang Quảng Châu (Trung Quốc) rồi từ đó bay về PhnômPênh (Campuchia), đi xe tới biên giới và đi bộ từ biên giới về R ở miền Nam.
Những năm tháng ở R, Lưu Hữu Phước cùng Hoàng Việt viết opéra “Bông sen” gửi ra dàn dựng ở Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam 20-12-1968. Tết Mậu Thân 68 tổng tiến công, bao nhiêu người lính đã hát vang “Tiến về Sài Gòn” của ông. Khi Bác mất, ông viết “Tình Bác sáng đời ta” với phần lời của Diệp Minh Tuyền.
Sau ngày thống nhất đất nước, Lưu Hữu Phước là Viện trưởng Viện âm nhạc, sau khi rời chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Ngày tết Đoan Ngọ năm Kỷ Tỵ 1989, người nhạc sĩ tài tình với nhịp hành khúc Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại TPHCM, để lại bao tiếc thương cho giới âm nhạc. Năm ấy, ông thọ 69 tuổi ta. Nếu còn sống, xuân này ông tròn 100 tuổi.

Các tin khác