Trao quyền tự chủ cho giáo viên - Bước đổi mới đột phá

(ĐTTCO) - Năm học 2020-2021 được xem là năm bản lề với nhiều đổi mới về chương trình, chủ trương, chính sách giáo dục, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Trong đó, đổi mới bắt đầu từ việc trao quyền cho giáo viên - lực lượng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của chương trình.


Đồng hành cùng người thầy

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học, thay thế quy định cũ về Điều lệ trường tiểu học đã tồn tại 10 năm qua. Trong đó, tập trung một số điểm mới như nhấn mạnh vai trò quản trị nhà trường, đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh, giảm tải yêu cầu về hồ sơ sổ sách…

Trao quyền tự chủ cho giáo viên - Bước đổi mới đột phá ảnh 1Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) trong một tiết học đầu năm học 2020-2021

Một trong những nội dung được nhiều giáo viên đánh giá “bước chuyển mình lớn nhất” ở bậc học này là trao quyền chủ động cho giáo viên thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục. Giải thích rõ hơn vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho biết, thay đổi này nhằm phù hợp với mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT mới, trong đó có việc triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Các thầy, cô giáo sẽ được trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh trong lớp mình phụ trách. 


Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), trên cơ sở kế thừa các yếu tố tích cực của phương pháp dạy học truyền thống, mỗi giáo viên sẽ có sự kết hợp, thay đổi về phương pháp như tích hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, dạy học bằng trải nghiệm thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, qua đó giúp phát triển tối đa năng lực và phẩm chất người học. Cô Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ  (Trường Đại học Ngoại ngữ,  Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, trường đã đa dạng cách đánh giá học sinh thông qua các bài thực hành, dự án học tập của học sinh, theo đó, giáo viên có thể đánh giá bài thực hành; dự án học tập của học sinh thay cho điểm 1 tiết. Hay như tại Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, học sinh cũng được tính điểm 1 tiết với những sản phẩm học tập nhóm, những bài thuyết trình. Với Trường THCS-THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), học sinh THCS cũng được tính điểm kiểm tra 15 phút cho các bài thuyết trình nhóm. Cách học này được đánh giá là tạo hứng thú cho học sinh, phát huy được năng lực học sinh.

Nhà giáo Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, khi giáo viên không còn bị ràng buộc bởi những quy định chi tiết về kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ có cơ hội gần gũi người học, đánh giá kết quả học tập chính xác hơn. Để làm được điều đó, trước tiên mỗi thầy, cô phải nắm vững mục tiêu chương trình giáo dục, hiểu rõ “đích đến” cần đạt được, từ đó làm chủ phương pháp giảng dạy (sắp xếp thứ tự các bài học, lồng ghép, tích hợp chương trình) và kiểm tra, đánh giá học sinh, không còn cứng nhắc phụ thuộc sách giáo khoa như trước đây. Tuy nhiên, song song với việc “cởi trói” cho giáo viên, nhà giáo này cũng trăn trở để quy định mới thật sự đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý từ sở ngành, UBND quận huyện phải cùng đồng hành, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện. Cụ thể, Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số lớp học tiêu chuẩn là 35 học sinh/lớp, học sinh được học 2 buổi/ngày thì các địa phương phải phấn đấu thực hiện, không nên phó thác hết trách nhiệm thành bại của chương trình cho giáo viên.   

Tạo môi trường học tập tích cực

Tiếp nối đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, ở hai bậc THCS và THPT, cũng trong năm học này, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 26 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT. Theo đó, bắt đầu từ tháng 10-2020, tất cả môn học đều triển khai đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ nhận xét ở một số môn như trước đây. Học sinh được đánh giá nhiều lần trong cùng môn học, bằng nhiều hình thức khác nhau và qua đó có nhiều cơ hội thể hiện sự tiến bộ. Cụ thể, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo các hình thức như hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể, riêng kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ được thực hiện thông qua bài kiểm tra, thực hành hoặc dự án học tập. Trong một năm học, mỗi môn học có không quá 6 cột điểm kiểm tra, giảm rất nhiều so với các quy định cột điểm kiểm tra hiện hành. 

Nhận xét về những thay đổi này, thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM), bày tỏ, hình thức kiểm tra, đánh giá được mở rộng sẽ giúp giáo viên mạnh dạn, chủ động hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường khả năng sáng tạo trong xây dựng bài giảng và thiết kế hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp năng lực từng học sinh. Dẫn ví dụ về điểm hay của việc đổi mới, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), phân tích, học sinh trả lời một câu hỏi sai vẫn có thể nhận được... điểm 10 nếu sau khi giáo viên gợi ý, chẻ nhỏ từng ý trong câu hỏi, học sinh đó tự nhận ra mình sai ở đâu, từ đó rút kinh nghiệm. Ở góc độ khác, nhà giáo này cho biết, dù hình thức kiểm tra có thể linh hoạt như hỏi đáp nhanh 10-15 phút, làm bài kiểm tra giấy trong 45 phút hay 90 phút thì điều quan trọng là học sinh luôn được tạo cơ hội thay đổi điểm số ban đầu. “Bộ quy định giảm số đầu điểm kiểm tra trong học bạ không đồng nghĩa giảm số lần kiểm tra, mà thay vào đó, giáo viên cần chủ động kết hợp nhiều hình thức học tập như thảo luận nhóm, tổ chức cho học sinh làm sản phẩm theo dự án, hoạt động sân khấu hóa, thi hùng biện... để qua đó giúp các em phát huy tính chủ động, tích cực trong học tập; giáo viên có thể đánh giá toàn diện về năng lực, phẩm chất cũng như quá trình tiến bộ của học sinh”, thầy Huỳnh Thanh Phú phân tích.

Nhìn chung, đổi mới về quy định kiểm tra, đánh giá học sinh lần này đã được các trường triển khai ở nhiều mức độ trong những năm học trước nhưng khi được luật hóa sẽ mang tính phổ quát, giúp tâm lý giáo viên hoàn toàn được “cởi trói”, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học.

Theo TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, so với hiện hành, chúng ta sẽ đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, theo hướng đảm bảo hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập, vì hoạt động học tập và sự tiến bộ của học sinh. Đây chính là bước đệm giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần sang kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, theo Thông tư 26, lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết giữa kỳ và cuối kỳ được cho phép thực hiện trên máy tính, nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, phát triển rất tốt năng lực tự học của người học. Đây sẽ là tiền đề cho các địa phương, nhà trường đủ điều kiện trong tương lai có thể tổ chức đánh giá học sinh trên máy tính.

Từ năm học 2020-2021, khi đánh giá học sinh tiểu học, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Giáo viên đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục của học sinh, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” hoặc “Học sinh tiêu biểu” hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Việc khen thưởng đột xuất, được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng. Bộ cũng quy định mới về bổ sung hình thức “thư khen” trong hoạt động khen thưởng học sinh tiểu học.

Các tin khác