Truy bằng cấp giả để nâng niu giá trị thật

(ĐTTCO) - Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an lấy ngày 15-1-2021 là hạn chót để các đơn vị và cá nhân liên quan hợp tác rà soát và khai báo về bằng tiếng Anh giả do Đại học Đông Đô cấp. Đường đi lắt léo của những tấm bằng cử nhân tiếng Anh hệ chính quy xuất phát từ Trường Đại học Đông Đô, không chỉ phơi bày sự bất cập về thói quen đề cao bằng cấp, còn đòi hỏi biện pháp hữu hiệu quản lý đào tạo các loại văn bằng thứ 2.

Truy bằng cấp giả để nâng niu giá trị thật
Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả, các văn bằng chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Các nội dung này báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý I-2021. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Những ngày cuối năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ban hành văn bản liên quan đến vụ án “Giả mạo trong công tác” tại Trường Đại học Đông Đô, với 2 đề nghị. Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy - Văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp, thông báo ngay bằng văn bản. Thứ hai, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy - Văn bằng 2 cần trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra. 
Với thông báo trên, Cơ quan An ninh điều tra đang tích cực lần theo dấu vết của bằng cấp giả trên diện rộng. Tuy nhiên, truy kích bằng cấp giả, vì sao phải đi tìm người mua, không hỏi người bán? Bởi lẽ, bằng cử nhân tiếng Anh hệ chính quy từng được cấp phát ở Đại học Đông Đô công khai thời gian dài, và thu được nguồn lợi tài chính không nhỏ. Theo Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, có 626 người được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Trong đó, đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Số bằng tiếng Anh còn lại, chính ban lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô có thể xác định mức độ thật giả ra sao.
Vụ án “giả mạo trong công tác” tại Trường Đại học Đông Đô một lần nữa cho thấy, khi cơ chế trọng bằng cấp hơn trọng thực lực vẫn được áp dụng, những chiêu trò ma giáo như học giả vờ để lấy bằng cấp thật, hoặc học giả vờ để lấy bằng giả mạo sẽ còn tiếp tục xảy ra. Mua bán bằng cấp không chỉ là hành vi chà đạp pháp luật, còn hủy hoại đạo đức và lương tri cộng đồng.
GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng: “Cần xử lý nghiêm khắc Trường Đại học Đông Đô và những người sử dụng bằng giả do trường này cấp. Về mặt quản lý nhà nước, cần rà soát xem có trường nào cũng gian lận như Đông Đô. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên dù khó cũng phải làm”. Còn TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đánh giá: “Thực tế có rất nhiều trường hợp công chức, viên chức bị phát hiện sử dụng bằng giả để lợi dụng lên lương, lên chức đã bị xử lý, kết quả không được công nhận. Theo tôi, cần có chế độ giám sát đặc biệt trường này để khôi phục nề nếp hoạt động, đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Liệu sau khi hoàn tất vụ án “Giả mạo trong công tác” ở Trường Đại học Đông Đô, hiện thực nhem nhuốc của bằng giả có chấm dứt? Đó mới là nỗi băn khoăn lớn nhất. Nếu không có quyết tâm trong sạch hóa môi trường giáo dục-đào tạo, bằng giả sẽ là khởi đầu và cũng là điểm đến của những giá trị giả, những nhân phẩm giả. Và khi bằng cấp không còn là kết quả của khát vọng tri thức, mà là mục tiêu của tham vọng danh lợi, bao nhiêu bi hài kịch cũng xảy ra. Bằng cấp giả không chỉ tạo ra giá trị giả, mà còn tạo ra giá trị ảo khi nó hướng đến hồ sơ đẹp cho tham vọng cá nhân. Cho nên, hồ sơ đẹp càng ngày càng có khoảng cách với năng lực thật của một bộ phận được gọi là trí thức.
Thật trớ trêu, khi khắp các diễn đàn lên án những kẻ sở hữu bằng cử nhân tiếng Anh giả của Đại học Đông Đô, ít ai để ý rằng xung quanh còn có hàng ngàn tiến sĩ không có đóng góp gì cho sự phát triển chung. Bằng cấp chỉ giống như đạo cụ trang trí, để họ vênh váo và hãnh tiến sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Loại bằng cấp không có ảnh hưởng gì đến lộ trình tiến bộ của ngành nghề và của dân tộc, mà chỉ nhằm tô vẽ danh vọng riêng tư, còn đáng sợ gấp mấy lần bằng cấp giả. 
Muốn đẩy lùi tệ nạn bằng cấp giả, không có con đường nào khác là tôn trọng và phát huy năng lực thật của con người. Hãy nhìn hành vi, đừng nhìn bằng cấp. Hãy nhìn công việc, đừng nhìn con người. Chỉ cần thay đổi thói quen trọng thị đến mức hệ lụy vào bằng cấp, mọi chuyện sẽ khác. Nếu một tiến sĩ không có năng lực chuyên môn vượt trội so với một kỹ sư, tại sao lại chi trả lương bổng tiến sĩ trên mức kỹ sư?
Nếu chức danh nào cũng đưa ra bằng cấp làm tiêu chuẩn, những kẻ tham vọng sẽ bỏ thời gian và tiền bạc để trang bị bằng cấp, thay vì tích cực rèn luyện để phụng sự ân cần và cống hiến vô tư. Giá trị thật sẽ thất thủ trước giá trị giả là sự cảnh báo không quá hoang đường. Bằng cấp giả, năng lực thật và hồ sơ đẹp đang giống như vòng tròn luẩn quẩn khóc cười của đời sống. Bằng cấp giả chỉ chấm dứt khi hồ sơ đẹp bị nhận diện là lá chắn diêm dúa của những ai không có năng lực thật. 

Các tin khác