Từ chuyện cây phong cần chuẩn hóa quy trình ra quyết định

(ĐTTCO)-Những ngày này, giới chuyên môn như kiến trúc sư (KTS), quy hoạch, quản lý đô thị ở Hà Nội và TPHCM gặp nhau bàn về những cây phong lá đỏ ở Hà Nội. Song từ chuyện cây phong nhiều vấn đề được đặt ra tại sao nhiều quyết định không thực nghiệm xã hội trước khi ra quyết định chính thức để rồi thất bại gây ra những hậu quả khôn lường? 
Từ chuyện cây phong cần chuẩn hóa quy trình ra quyết định ảnh 1
Từ chuyện cây phong…
Vào năm 2018, người đứng đầu Thủ đô cho trồng cây phong lá đỏ trên hai tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng, với mong muốn tạo ra điểm nhấn ấn tượng của châu Âu giữa trung tâm Thủ đô.
Khi ấy nhiều chuyên gia đã hoài nghi về việc trồng một loại cây quen sống ở xứ lạnh có chịu nổi với khí hậu vùng nhiệt đới mùa hè luôn nóng bỏng?
Cuối cùng sau 3 năm lãnh đạo Hà Nội buộc thông báo sẽ thay cây phong lá đỏ bằng loại cây khác phù hợp hơn, bởi sau khi thống kê chi tiết trong hơn 260 cây đã trồng có gần 50 cây chết, số cây còn sống cũng còi cọc làm ảnh hưởng cảnh quan chung. 
Giá như vào thời điểm ấy, Hà Nội cho trồng thử nghiệm vài chục cây ở đâu đó ngoại thành Hà Nội xem nó sống nổi với khí hậu nhiệt đới không rồi hãy trồng đại trà thì không dẫn đến hậu quả phí tiền, mất công chăm sóc, tạo ra cảnh quan xấu xí, người dân mất niềm tin.  
Thử nghiệm xã hội (hay thực nghiệm) là một khâu cần thiết của một quy trình ra quyết định. Nó được xem là công đoạn cuối kiểm tra xem những gì một tổ chức làm ra sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng, thai nghén (kế hoạch, chương trình, đề án, sản phẩm) có sử dụng được không.
Nếu sử dụng được cần điều chỉnh cái gì cho hoàn thiện trước khi thương mại hóa, những phương án dự phòng nào cho các tình huống bất trắc…
Một loại vũ khí quân sự, thuốc mới (như vaccine Covid là một thí dụ), thực phẩm, mỹ phẩm, giống cây trồng, con giống nuôi mới… đều phải qua một giai đoạn thực nghiệm. Tương tự các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, các chương trình phát triển đô thị đều phải trải qua thực nghiệm, không ai dám liều lĩnh ném thẳng một lèo từ ý tưởng ra ngoài xã hội. 

Đến những quyết định vô tội vạ
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ban hành các chính sách và các chương trình phát triển mà không qua thực nghiệm dẫn đến thất bại khá cao, dường như giai đoạn nào ở địa phương, bộ ngành, lĩnh vực nào cũng có.
Một vài chuyện được ghi vào “lịch sử” như việc rầm rộ thành lập rồi sau đó giải tán trường đại học đại cương sau 3 năm tồn tại; việc kết hợp giữa bưu điện xã với điểm văn hóa; việc trồng hàng ngàn ha cây cao su không cho mủ ở các tỉnh Tây Bắc; việc nuôi ốc bươu vàng trở thành đại dịch ở Tây Nam bộ; việc trồng hàng ngàn cây hoa sữa ở khắp các thành phố trên địa bàn toàn quốc… 
Hay gần đây nhất là tuyến xe bus nhanh (BRT) ở Hà Nội với mức đầu tư khủng hơn 50 triệu USD cho 15km đường mà hoạt động èo uột, vắng khách. Người dân TPHCM chắc không ai quên việc lát gạch con sâu cho hàng trăm vỉa hè, hay tương tự như vậy là Hà Nội lát gạch granite cho hàng trăm tuyến phố, rồi phải móc lên thay loại khác. 
Đó thực sự là cái giá quá đắt cho những hoạt động kinh tế-xã hội thất bại, bỏ qua thực nghiệm, đem lại hậu quả tiêu cực cho đời sống xã hội. 
Trên thực tế trong thời gian qua có quá nhiều chính sách ban hành vấp phải sự phản ứng không đồng thuận của người dân, cho thấy cách thức xây dựng chính sách thực sự chưa ổn.
Rất nhiều thí dụ minh chứng cho điều này như quy định mỗi người chỉ được sở hữu một xe máy, người ngực lép không được chạy xe máy, thịt tươi không được để qua 8 tiếng sau khi giết mổ, thay đổi giờ làm việc lệch pha, xe có động cơ phải bật đèn khi chạy ban ngày, xe bốn chỗ phải trang bị bình cứu hỏa, các bảng hiệu phải thống nhất hình thức, mẫu mã, quy cách…
Hay nhìn rộng ra bộ ngành nào cũng có tình trạng ban hành các quyết định “chết yểu”, chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay sau khi ban hành, thu hồi, thay thế và cả việc để tự vô hiệu theo thời gian.
Từ chuyện cây phong cần chuẩn hóa quy trình ra quyết định ảnh 2 Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây phong lá đỏ ở Hà Nội đã chết yểu vì không thể sống nổi xứ nhiệt đới.
Cần chuẩn hóa quy trình ra quyết định
Ở bất cứ quốc gia nào, cho dù tiên tiến nhất cũng khó có thể tránh được những sai lầm trong ban hành chính sách, gần đây nhất là những sai lầm trong chiến lược chống Covid ở châu Âu buộc các chính phủ phải liên tục điều chỉnh chính sách.
Nhưng vấn đề ở chỗ phải làm sao cho việc ban hành chính sách sai lầm giảm thiểu ở mức thấp nhất, phải tính trước được các tình huống mà nó phát sinh. 
Ở nước ta có nhiều cơ quan nào là cục, vụ, viện, trung tâm, nhưng một loại viện quan trọng nhất lại không có là viện nghiên cứu để thẩm định và ban hành chính sách. Cơ quan chức năng này đóng vai trò “lọc” và hiện thực hóa các "tư tưởng vĩ đại”, các mong ước mãnh liệt của lãnh đạo và người dân vào cuộc sống. Hay nói một cách khác nó đóng vai trò trung gian giữa mong muốn và thực tiễn.
Ở Singapore có hẳn một trường đại học (Trường chính sách công Lý Quang Diệu), dạy cho công chức cách xây dựng, ban hành, thẩm định chính sách ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau một cách rất chuyên nghiệp. Điều đó đảm bảo sức sống và tuổi thọ của chính sách. 
Ở Việt Nam có rất nhiều chính sách được đi thẳng từ mong muốn, ước nguyện (đôi khi chỉ là của một cá nhân) tới thực tiễn xã hội trong một thời gian cực ngắn, có những phát biểu chỉ mới hôm qua vài ngày sau đã có những chỉ thị, mệnh lệnh được ban hành.
Chúng ta tạm thời đặt sang một bên những tiêu cực như “lợi ích nhóm”, “mưu cầu lợi ích cá nhân”, thì kiểu ra chính sách như thế thực sự nguy hiểm và rủi ro rất cao, hậu quả tiêu cực đổ dồn lên vai người dân.
Một chính sách ra đời từ một lần bức xúc, từ một phút “ngẫu hứng” thì cho dù là chính đáng đến đâu cũng tiềm ẩn những rủi ro rất cao, đó là chưa kể có quá nhiều các “quân sư máy lạnh” luôn đưa ra các “tối kiến” tham mưu cho lãnh đạo. 
Đã đến lúc Chính phủ phải chuẩn hóa thống nhất quy trình ra quyết định. Muốn không sai sót có hai khâu bắt buộc phải trải qua đó là phản biện và thực nghiệm. Phản biện nghiêm túc gắt gao, thực nghiệm sâu sát khoa học thì chính sách mới có tuổi thọ lâu dài.

Các tin khác