Tuyệt đối không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”

(ĐTTCO)-Sáng nay 22-5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, cả nước tiếp tục không ghi nhận thêm người mắc dịch Covid-19 và là 36 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn, nhất là các ca bệnh xâm nhập...
Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn tuần tra kiểm soát tại đường mòn lối mở ngăn chặn người nhập cảnh trái phép
Lực lượng Biên phòng Lạng Sơn tuần tra kiểm soát tại đường mòn lối mở ngăn chặn người nhập cảnh trái phép

Đến nay, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 324 trường hợp, trong đó có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Đáng chú ý, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 14.744 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 266 người, còn lại cách ly tại cơ sở khác, tại nhà và nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, cả nước đã có 266/324 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh (chiếm 82% tổng số bệnh nhân). Số bệnh nhân Covid-19 còn lại đang được điều trị tại một số cơ sở y tế, phần lớn sức khỏe ổn định, trong đó có 8 bệnh nhân xét nghiệm hơn 1 lần âm tính với SARS-CoV-2.

Tuyệt đối không được có tâm lý 'coi như đã hết dịch' ảnh 1

Mặc dù, cả nước đã trải qua hơn 35 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng nhưng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ rõ, cả nước đã dập tắt các ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh xâm nhập vào trong nước.

Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc tại các dự án. Vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở.

Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thủy thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới.

Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.

Các tin khác