Vaccine đang bị lãng phí thế nào trên thế giới?

(ĐTTCO) - Hơn 90 hộp vaccine Covid-19 nằm yên trong tủ lạnh một cơ sở y tế ở thành phố Leiden, Hà Lan, dù phần lớn hết hạn vào tháng 8.

Dennis Mook-Kanamori, bác sĩ tại Trung tâm Y khoa Đại học Leiden, cho biết nguy cơ hàng nghìn liều vaccine Covid-19 bị bỏ vì hết hạn là điều tồi tệ. Tuy nhiên, điều khiến ông thực sự bất bình là chính phủ Hà Lan để mặc vaccine hết hạn thay vì chia sẻ cho thế giới.

"Đây là kiểu thái độ cành cao, vô đạo đức", Mook-Kanamori nói.

Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện chỉ có ở Hà Lan, khi hàng triệu liều vaccine nằm yên trong vô số tủ đông, tủ lạnh trên toàn thế giới và dần hết hạn trước khi được tiêm. Nhu cầu tiêm chủng ở những nước giàu như Hà Lan đang sụt giảm trong thời gian qua.

Tháng trước, Mook-Kanamori và đồng nghiệp đã phải vứt bỏ 600 liều vaccine hết hạn. Tới cuối tháng 8, dự kiến có thêm 8.000 liều bị vứt đi. Nếu không có gì thay đổi, tới tháng 10, tất cả 10.000 liều trong các tủ lạnh ở thành phố Leiden đều bị bỏ. Các bác sĩ ước tính có thể 200.000 liều AstraZeneca ở Hà Lan phải đối mặt với số phận tương tự.

Phần lớn thế giới chưa có đủ vaccine để tiêm chủng, thậm chí cho những người dễ tổn thương nhất. Tại châu Phi, chỉ hơn 2% dân số được tiêm ít nhất một liều, trong khi Hà Lan đã tiêm chủng đầy đủ hơn nửa số dân. Chính phủ Hà Lan nói vì lý do pháp lý và hậu cần, họ không thể xuất khẩu vaccine cho các nước, bất chấp nhiều chỉ trích.

Vaccine đang bị lãng phí thế nào trên thế giới? ảnh 1 Một hộp vaccine AstraZeneca tại điểm tiêm chủng ở thành phố Amsterdam, Hà Lan hồi tháng 4. Ảnh: AP.
Giới chức Israel đầu tháng này thông báo chuẩn bị phải hủy 80.000 liều vaccine Pfizer vì hết hạn. Ba Lan cũng phải xử lý 73.000 liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. 160.000 liều Sputnik V sắp hết hạn được Slovakia trao trả cho Nga. Tại Mỹ, chỉ riêng bang Bắc Carolina cũng có tới 800.000 liều vaccine sắp phải bỏ.

Theo dữ liệu tổng hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xấp xỉ 469.868 liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất đã hết hạn ở châu Phi tính tới ngày 9-8. "Hầu hết vaccine này đều có hạn rất ngắn", Richard Mihigo, điều phối viên tiêm chủng và phát triển vaccine của WHO tại châu Phi, nói.

Vaccine bị bỏ phí đồng nghĩa hàng triệu USD bị "ném qua cửa sổ". Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính tổng số liều đã hoặc sắp hết hạn lên tới hàng triệu. Với một số loại có giá 20 USD một liều, số tiền lãng phí có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Cái giá phải trả cho sức khỏe, thậm chí tính mạng con người, còn lớn hơn nhiều. "Chúng ta không có đủ vaccine, trong khi ở một số nơi, chúng đang hết hạn, bị hư hỏng vì thiếu điện, hoặc không được chuyển tới người dân. Đó thực sự là thảm họa", Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, Mỹ, nói.

Vaccine thường giảm chất lượng nhanh hơn nhiều loại thuốc khác, như Tamiflu, có thể lưu trữ vài năm, theo Jesse Goodman, giáo sư tại Trường Y khoa Georgetown và từng là nhà nghiên cứu trưởng của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).

Goodman thêm rằng khi quá hạn sử dụng, vaccine "có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự", làm suy yếu một biện pháp bảo vệ mạnh mẽ và có thể cứu sống tính mạng con người. Các loại vaccine mRNA như Pfizer và Moderna rất dễ hư hỏng.

Ngày hết hạn của vaccine do nhà sản xuất quy định và được giới chức quản lý địa phương thông qua. Nhiều loại vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp có thời hạn sử dụng ngắn.

WHO cho biết không giống như lãng phí vaccine vì không dùng hết số lọ đã mở, việc vứt bỏ vaccine vì hết hạn có thể tránh được. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết nên hạn chế tình trạng lãng phí vaccine xuống dưới mức 1%.

Tuy nhiên, đây có thể không phải nhiệm vụ dễ dàng. Dữ liệu tổng hợp của liên minh vaccine toàn cầu Gavi cho thấy tỷ lệ lãng phí của các loại vaccine phòng ngừa các loại bệnh khác thường chạm ngưỡng 10%, thậm chí cao hơn.

Marco Blanker, bác sĩ ở thị trấn Zwolle ở Hà Lan, cho biết ông phải vứt bỏ 58 liều vaccine một ngày vào mùa xuân, khi nhiều người không đến điểm tiêm vì lo ngại thông tin tiêu cực về AstraZeneca.

Vaccine đang bị lãng phí thế nào trên thế giới? ảnh 2 Một điểm tiêm chủng vắng bóng người ở Utrecht, Hà Lan hôm 4/8. Ảnh: AFP.
"Đây là một đòn giáng lớn đối với cả đội. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong những tuần trước đó để không lãng phí bất kỳ giọt vaccine nào", ông nói.

Blanker đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Hà Lan khi đăng một bức ảnh về những liều vaccine bị vứt bỏ trên Twitter. Ngay sau đó, các bác sĩ Hà Lan đã tập hợp để tìm cách tái phân phối số liều này.

Nhu cầu tiêm chủng ở Hà Lan đã giảm mạnh. Quốc gia này hiện có 55% dân số tiêm chủng đầy đủ và AstraZeneca chỉ được khuyến nghị cho một số nhóm tuổi. Do đó, Blanker và nhiều bác sĩ khác như Mook-Kanamori bắt đầu tìm kiếm các quốc gia khác có thể tiếp nhận số vaccine đó.

Namibia, quốc gia Tây Phi đang thiếu nguồn cung, dường như là một địa điểm lý tưởng. Mook-Kanamori chia sẻ một bác sĩ Hà Lan thậm chí nói sẵn sàng tự mang vaccine tới đó. Nhưng chính phủ Hà Lan vẫn kiên trì với quan điểm của mình: Tất cả số liều vaccine đó đều phải tiêu hủy sau khi hết hạn.

Hà Lan đã cam kết chia sẻ vaccine, trong đó 75.000 liều AstraZeneca được gửi tới Namibia. Tuy nhiên, Bộ Y tế Hà Lan chưa trả lời yêu cầu bình luận về những thông tin trên.

Ngay cả khi vaccine đến được với người có nhu cầu, thời hạn sử dụng cũng có thể gây ra vấn đề. Tại châu Phi, quá trình vận chuyển vaccine chậm trễ đồng nghĩa họ có rất ít thời gian để triển khai tiêm chủng trước khi chúng hết hạn.

Liberia có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều AstraZeneca được chuyển tới từ Liên minh châu Phi. Khoảng 27.000 liều sau đó bị hết hạn. "Chúng tôi không có đủ thời gian", Bộ trưởng Y tế Wilhemina Jallah nói.

Benin, quốc gia ở Tây Phi, phải bỏ 51.000 liều vào tháng 7 sau khi mất ba tháng vận chuyển, theo Landry Kaucley, giám đốc hậu cần vaccine của nước này. Tại Malawi, chính phủ đã tiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn vào tháng 5, động thái để công chúng có thêm niềm tin rằng họ không bị tiêm liều không đạt chuẩn. Giới chức y tế một số nước khác, như ở Palestine, từ chối tiếp nhận vaccine gần hết hạn.

Thời hạn vaccine có thể thay đổi. FDA tháng trước gia hạn thời gian sử dụng vaccine Johnson & Johnson tại Mỹ tới 6 tháng, thay vì 4 tháng rưỡi như trước. Một đại diện của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga nói họ dự kiến tăng thời hạn sử dụng vaccine Sputnik V từ 6 tháng lên một năm. Những động thái như vậy có thể giúp hạn chế số liều vaccine bị bỏ phí.

Một số chuyên gia hy vọng cơ chế Covax hoặc các thỏa thuận song phương khác sẽ giúp chuyển vaccine tới những nơi cần trước khi chúng hết hạn. Nhưng tìm ra cách chia sẻ vaccine không phải là tất cả vấn đề, theo các bác sĩ như Mook-Kanamori.

"Tôi có thể tiêm 8.000 liều vaccine ở Namibia vào tuần tới nếu được phép. Nhưng vấn đề là tôi không được phép làm vậy", ông chia sẻ.

Các tin khác