Văn hóa của người ngồi “ghế nóng”?

(ĐTTCO) - Chương trình “Thương vụ bạc tỷ” bất ngờ gây xôn xao dư luận, không phải vì một dự án khởi nghiệp thú vị hay quyết định đầu tư mạo hiểm, mà vì những lời bông đùa kém văn hóa của nhân vật ngồi ghế nóng. Những câu “thả thính” của doanh nhân Nguyễn Xuân Phú với ứng viên Nguyễn Thị Thu Hằng khiến công chúng ngỡ ngàng và bất bình. Bởi lẽ, game show cũng là không gian công cộng, phải có giới hạn thẩm mỹ nhất định.

Shark Phú gây tranh cãi khi chọn đầu tư cho Wiibike vì nữ CEO có nhan sắc xinh đẹp.
Shark Phú gây tranh cãi khi chọn đầu tư cho Wiibike vì nữ CEO có nhan sắc xinh đẹp.
Chương trình “Thương vụ bạc tỷ” được Công ty TV HUB mua bản quyền và làm phiên bản tiếng Việt từ Shark Tank. Từ năm 2017 đến nay, chương trình được phát sóng trên VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, như một trong những game show ăn khách nhất. Thế nhưng, không ít nhân vật từng giữ vai trò “cá mập” trên chương trình này đã đem lại nhiều thị phi trong xã hội. Chương trình “Thương vụ bạc tỷ” nói cho cùng là sân chơi để kết nối nhà đầu tư và người khởi nghiệp, người có vốn và người cần vốn, không nhằm giải trí và không nên chạy theo thị hiếu giải trí rẻ tiền. 
Vậy mà, chương trình “Thương vụ bạc tỷ” phát sóng mới đây lại phơi bày sự lố bịch đến mức khó tin. Người tham gia gọi vốn là chị Nguyễn Thị Thu Hằng - đồng sáng lập Wiibike, một công ty khởi nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông xanh và sản phẩm gọi vốn là các dòng xe đạp trợ lực điện, sử dụng năng lượng xanh từ pin lithium. Mở đầu chương trình, chị Hằng chạy xe đạp ra sân khấu và có màn trình bày dự án kinh doanh khá ấn tượng. Để nhấn mạnh giá trị sản phẩm của mình, chị đã đố các “cá mập” về điểm đặc biệt trong chiếc xe vừa sử dụng. Ngay lập tức, doanh nhân Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Sunhouse) trả lời tỉnh queo: “Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả”.
Nếu chỉ dừng lại ở đó, công chúng có thể chấp nhận sự đùa cợt kém duyên của doanh nhân Nguyễn Xuân Phú. Thế nhưng, có lẽ cao hứng phô diễn tài “thả thính”, doanh nhân Nguyễn Xuân Phú cắt ngang phần giới thiệu chiến lược phát triển chị Nguyễn Thị Thu Hằng dành cho xe đạp điện, bằng một câu kệch cỡm: “Em không cần giải thích thêm về business (mô hình kinh doanh). Với anh, chỉ cần liếc mắt là biết business nào rồi nên anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt 1,5 tỷ cho 10% cổ phần”. Bất ngờ hơn, như để cổ vũ cho màn “thả thính” của doanh nhân Phú, người cùng ngồi ghế “shark” là doanh nhân Phạm Thanh Hưng, nhấn nhá thêm: “Đã nói ngay từ đầu, thật ra deal cứ sạch, xanh, xinh là xong”.
Chuyện gì đã xảy ra trên chương trình “Thương vụ bạc tỷ”? Kịch bản vốn như thế, hay chỉ là cơn quá khích của 2 doanh nhân Nguyễn Xuân Phú và Phạm Thành Hưng? Khái niệm “shark” ở đây là nhà đầu tư tiềm năng, hay những gã trọc phú thích dở trò tán gái? Chương trình “Thương vụ bạc tỷ” đang rao giảng phương pháp khởi nghiệp “sạch, xanh, xinh” hay khuyến khích những giao dịch “quan tâm đến mỗi em thôi”? Đành rằng, game show trên truyền hình có chức năng giải trí, nhưng không có nghĩa game show sử dụng mọi chuyên thức rẻ rúng nhất để thu hút khán giả. Nhất là chương trình như “Thương vụ bạc tỷ” càng không được phép ném bùn lên bộ mặt doanh nhân Việt Nam. 
Thật dễ hiểu, khi nhiều người xem xong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” đã bức xúc: “Game show không phải phòng ngủ của các shark. Dù có là tư gia của họ cũng không được phép bình phẩm suồng sã về phụ nữ đứng trước mặt mình như vậy. Chị Hằng là phụ nữ có chồng và hai con, mang đến chương trình sự khát vọng nghiêm túc. Chính lối hành xử “văn hóa lùn” của các shark đã đưa gương mặt và tên một người phụ nữ vào giữa thị phi của dư luận”. Là một người trong cuộc, chị Hằng chắc chắn cũng nếm trải không ít bẽ bàng qua chương trình “Thương vụ bạc tỷ”. 
Tuy nhiên, bằng sự bình tĩnh của một người khởi nghiệp, chị giải thích, trên sóng truyền hình, phần gọi vốn Wiibike chỉ xuất hiện khoảng 15 phút, còn thực tế ghi hình diễn ra hơn 1 tiếng. Trong quá trình đó, các shark đã đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu kỹ càng về Wiibike, từ quá trình thành lập đến đặc điểm sản phẩm, tình hình tài chính và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Câu nói gây tranh cãi của shark Nguyễn Xuân Phú nằm ở phần chốt deal, sau khi các shark đã không còn câu hỏi nào đặt ra cho Wiibike. Xét trong hoàn cảnh lúc đó, chị hiểu ý shark Nguyễn Xuân Phú có nghĩa “anh hỏi xong rồi nên không còn quan tâm đến business của em nữa. Anh chỉ quan tâm đến người sáng lập thôi”. 
Theo chị Hằng, shark Nguyễn Xuân Phú không nói đến vẻ bề ngoài như một số ai đó đã hiểu không hết ý, vì có lẽ mọi người không được chứng kiến từ đầu đến cuối màn gọi vốn nên có cách nhìn nhận khác. Cho nên chị và Wiibike quyết định chọn shark Nguyễn Xuân Phú khi đến chương trình, vì cả nhóm đã thống nhất nếu được chọn sẽ chọn Chủ tịch HĐQT Công ty Sunhouse vì có cùng quan điểm, triết lý kinh doanh, đặc biệt là hệ thống sản xuất, phân phối phù hợp với Wiibike.
Dù giải thích xuôi ngược theo kiểu “trong chăn mới biết chăn có rận”, ngôn từ của doanh nhân Nguyễn Xuân Phú cũng rất khó chấp nhận với những người xem chương trình “Thương vụ bạc tỷ”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng nêu quan điểm: “Tôi không lạ những kiểu phát ngôn thô lỗ, chớt nhả, thậm chí quấy rối trắng trợn của một số đàn ông, kể cả người có vị trí xã hội. Cái làm tôi bất ngờ là những chương trình như thế được phát trên sóng quốc gia. Đồng ý là giải trí, thậm chí thương mại hóa là xu thế chung, nhưng cũng không thể quên vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng, nhất là lớp trẻ. Việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính... thật khó chấp nhận”.
Tương tự, PSG.TS Nguyễn Phương Mai, phân tích: “Cuộc sống này đâu phải sàn diễn thời trang hay những cuộc thi hoa hậu nơi tiêu chí đánh giá công khai dựa trên sắc đẹp của phù du thịt da? Xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn khi ta có thể dần hạn chế những lời bình phẩm chú trọng vào ngoại hình, tập trung vào tính chất cũng như năng lực của mỗi cá nhân - nhất là khi các cá nhân đó không chỉ đơn thuần là bạn bè gia đình, mà là những yếu nhân có vai trò lãnh đạo, chuyển biến xã hội, đối tác làm ăn, đồng nghiệp”. 

Các tin khác