Vì sao bầu trời TPHCM mù mịt khói sương?

(ĐTTCO)-Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thời tiết tại TP.HCM tù mù từ sáng tới trưa, tầm nhìn hạn chế vì cả TP bị bao phủ bởi một lớp mù dày đặc.
TP.HCM bị lớp mù dày đặc bao phủ - Ảnh: L.P.
TP.HCM bị lớp mù dày đặc bao phủ - Ảnh: L.P.

Nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng Tuổi Trẻ lo lắng không biết là sương mù hay bụi bẩn?

Ông Mai Tuấn Anh, giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP.HCM, cho biết kết quả đo chất lượng không khí của trung tâm cho thấy 91,5% đạt quy chuẩn của Bộ TN&MT. Các giá trị vượt chuẩn còn lại cũng chỉ vượt rất nhẹ, chưa tới mức gây hại cho sức khỏe.

Kết quả quan trắc bụi PM2.5 bằng phương pháp chuẩn (hút mẫu không khí qua giấy lọc trong 24 giờ và đem đi cân) tại 28 vị trí ở TP.HCM cho thấy chất lượng không khí ở mức cho phép.

Trong khi đó, theo số liệu từ một số ứng dụng quan trắc không khí, chỉ số AQI (Air Quality Index) - chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày - cho thấy không khí tại TP.HCM bị ô nhiễm nặng. 

Các ứng dụng như Healthy AIR do Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) phát triển và AirVisual (do Tổ chức IQAir AirVisual quản lý) đều phát cảnh báo các chỉ số bụi mịn PM 2.5, NO2, CO, SO2 trong không khí rất cao trong những ngày trời mù. Việc này được giải thích như thế nào?

"Các thiết bị đo chất lượng không khí tự động lắp đặt hiện nay trên địa bàn TP.HCM cung cấp số liệu cho ứng dụng Healthy AIR - thiết bị đo theo nguyên lý quang học (đo độ hấp thụ ánh sáng của các hạt trong không khí). Về bản chất thì các hạt này có thể ở thể lỏng, hơi hoặc rắn nhưng phương pháp này không phân biệt được các hạt ở thể lỏng, hơi hay rắn. 

Do đó trong thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao hình thành sương thì kết quả đo cũng tăng theo. Nếu muốn sử dụng số liệu này thì phải hiệu chỉnh, cân chỉnh độ ẩm cũng như các số liệu khác theo tiêu chuẩn Bộ TN&MT" - ông Mai Tuấn Anh lý giải.

Về tình trạng trời mù mịt từ sáng tới trưa, đại diện Sở TN&MT cho biết đây là hiện tượng diễn ra thường niên tại TP.HCM. Vào thời điểm cuối năm, nhiệt độ tại TP xuống thấp và có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm (10 - 12 độ C hoặc hơn). 

Khi có độ chênh lệch như vậy sẽ gây ra hiện tượng nghịch đảo nhiệt cục bộ. Lúc này, nhiệt độ các lớp không khí gần mặt đất thấp hơn nhiệt độ lớp không khí tầng cao, hai lớp không khí không thể đối lưu tạo ra lớp mù sương nhất là tại vị trí sông hồ.

Sở TN&MT khẳng định lớp sương mù này về bản chất là hơi nước nên không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tạo mù gây cản trở tầm nhìn và ảnh hưởng đến công tác quan trắc không khí.

Các tin khác