Vì sao kẹt xe kinh hoàng tại các cửa ngõ TP.HCM ngày 30-4?

(ĐTTCO)-Ngày 1-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Đình Dương, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, chia sẻ nguyên nhân dẫn đến ùn ứ cục bộ tại các cửa ngõ TP vào ngày 30-4.
Lực lượng CSGT TP.HCM phân luồng giao thông tại nút giao thông An Phú - đường dẫn cao tốc ngày 30-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lực lượng CSGT TP.HCM phân luồng giao thông tại nút giao thông An Phú - đường dẫn cao tốc ngày 30-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Dương, chủ yếu là người dân di chuyển "thoát" khỏi TP cùng một lúc để về quê, đi du lịch... nên đường sá quá tải.

Bên cạnh đó, người dân đổ dồn về tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đi quốc lộ 1, quốc lộ 51... gây ùn ứ nhưng trạm thu phí không xả trạm, dẫn đến tình trạng giao thông tại cửa ngõ phía đông TP ùn ứ dây chuyền, kéo dài...

Theo trung tá Dương, khi lượng xe dồn vào cao tốc đông mà không xả trạm, tại nút giao An Phú, đại lộ Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc (thuộc TP Thủ Đức) bị dồn ứ kéo dài, từ đó ảnh hưởng giao thông tại các tuyến quanh cao tốc như xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của…

Tuy nhiên, lực lượng PC08 đã nắm trước được tình hình, chủ động bố trí lực lượng từ khuya 29 đến sáng 30-4 tại nút giao này, là điểm "nóng" ùn ứ như đại lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ - Lương Định Của để điều tiết giao thông. 

Khi lượng xe dồn về cao tốc quá đông, lực lượng đã hướng dẫn người dân đi phà Cát Lái bằng đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định hoặc đi quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội... để giảm tải bớt lượng xe vào cao tốc.

Cũng theo trung tá Dương, phà Cát Lái cũng chỉ chở số lượng xe, người nhất định và có mức độ, nên cũng không giảm tải được nhiều lượng xe, lại gây ùn ứ tuyến đường vào phà Cát Lái.

Còn hướng về miền Tây, trung tá Dương cho biết cũng chỉ có cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1 nhưng đoạn qua cầu Bình Điền "thắt cổ chai", bên cạnh đó lượng xe ùn ùn về cùng một lúc nên xảy ra tình trạng dồn ứ. Nếu giảm tải bớt lượng xe thì cảnh sát giao thông cũng chỉ hướng dẫn người dân đi đường Nguyễn Văn Bứa để ra quốc lộ N2 (Long An).

Vị lãnh đạo PC08 Công an TP.HCM cho biết có thể ngày 3-5 tới đây, sau kỳ nghỉ lễ người dân từ các nơi ở miền Trung, miền Tây, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận… lại "đồng loạt" trở lại TP.HCM. PC08 đã nắm được trước tình hình, chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành giáp ranh, nhất là các cửa ngõ TP để túc trực, điều tiết giao thông từ xa, hợp lý, tránh tình trạng ùn ứ xảy ra.

Trung tá Dương cho biết thêm người dân thường có tâm lý chờ đến chiều ngày cuối nghỉ lễ rồi xuất phát cùng một lúc, khi tới cửa ngõ TP thì lượng xe từ các tỉnh đổ về đông lên, hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ nên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.

Vị lãnh đạo khuyến cáo người dân nên lựa chọn lộ trình hợp lý, nhất là thời gian, có thể tranh thủ về lại TP sớm hơn dự kiến hoặc đi vào thời điểm khuya để tránh tình trạng ùn ứ. Giúp cho người dân có cảm giác thoải mái, không bị kẹt xe sau kỳ nghỉ lễ.

"Khi người dân trở lại TP mà tuyến cao tốc vừa xảy ra ùn ứ thì nên chủ động xả trạm ngay, xả nhanh để lượng phương tiện không ùn ứ kéo dài", vị lãnh đạo PC08 cho hay.

Yêu cầu xả trạm thu phí nếu ùn tắc kéo dài dịp lễ 30-4 và 1-5

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo đường bộ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời các trạm thu phí phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí.

Cục Quản lý đường bộ phải theo dõi, chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Các tin khác