Việt Nam: Hơn 20.600 người đã tiêm vaccine AstraZeneca

(ĐTTCO) - Tính đến cuối giờ chiều 16/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 20.695 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh...

Tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

 Bản tin 6h ngày 17/3 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Như vậy, tính đến 6h ngày 17/3, Việt Nam có tổng cộng 1597 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 904 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.923 ca, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện (496 ca), cách ly tập trung tại cơ sở khác (17.396 ca) và cách ly tại nhà, nơi lưu trú (19.031 ca).

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế: Số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 40, lần 2 (22 ca) và lần 3 (82 ca).

Số ca tử vong là 35 ca, còn số ca điều trị khỏi là 2.158 ca.

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) Quốc gia cho hay, thêm 4.260 người đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 trong ngày 16/3/2021.

Như vậy, tính đến cuối giờ chiều 16/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 20.695 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3/2021 Chương trình TCMR cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vaccine COVID-19 AstraZeneca với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy...

Nếu người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh... hoặc có diễn biến nặng lên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Chương trình TCMR đã tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố cho thấy công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng được tất cả các địa phương thực hiện đầy đủ.

Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm còn bố trí các phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, các phòng để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2.

Các tin khác