Xử lý dứt điểm các “điểm đen” về rác

(ĐTTCO) - “Để việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (về cuộc vận động Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước) đạt hiệu quả thật sự, trách nhiệm người đứng đầu sẽ được soi xét một cách cụ thể, không chỉ dừng ở yêu cầu chung chung”.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về những yêu cầu cụ thể sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

* PHÓNG VIÊN: Qua gần một năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, bà nhận xét gì về kết quả đạt được?

* Bà VÕ THỊ DUNG: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng hệ thống MTTQ, đoàn thể đã quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU. Từ đó, nhiều chương trình, kế hoạch đề ra giải pháp thực hiện cuộc vận động được triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, cơ quan, đơn vị.

Nhiều mô hình, cách làm hay, huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân và tạo được sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của người dân trong bảo vệ, cải thiện môi trường. Toàn thành phố đã xử lý được 517/600 điểm đen về rác thải, chuyển hóa thành công trình công cộng, tiểu cảnh phục vụ cộng đồng…

* Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy TPHCM đã ban hành chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, Thành ủy TPHCM tiếp tục có Chỉ thị 19-CT/TU về cuộc vận động, nhưng tình trạng xả rác xuống kênh rạch vẫn chưa cải thiện. Nguyên nhân của những tồn tại này là gì, thưa bà?

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 là một trong 7 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ môi trường, trong đó có cả tiêu chí thi đua ở các khu dân cư, đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thật tập trung quyết liệt, đồng bộ, nên kết quả đạt được còn hạn chế.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 19-CT/TU yêu cầu có sự tập trung hơn, quyết tâm cao hơn để có sự chỉ đạo, giải pháp quyết liệt vì thành phố sạch, không xả rác bừa bãi. Cuộc vận động theo Chỉ thị 19-CT/TU không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân để khắc phục thói quen xả rác tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường, mà còn là cuộc tập dượt cần thiết để thành phố giải quyết các yếu kém trong quản lý đô thị.

Xử lý dứt điểm các 'điểm đen' về rác ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung kiểm tra việc thực hiện phân loại rác tại một khu đô thị. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Qua gần một năm thực hiện cuộc vận động đã tạo được chuyển biến bước đầu từ nhận thức đến hành động. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa như mong muốn. Nguyên do, trong tuyên truyền, vận động chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng và chưa gắn với xử phạt. 

Trong hoạt động hàng ngày, bên cạnh rác thải sinh hoạt thì có một số loại rác cồng kềnh, rác thải xây dựng. Người dân lúng túng việc xử lý, trong khi nhiều đường dây rác dân lập không thu gom các loại rác đó. Mặt khác, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, nhất là nạn vứt rác xuống kênh rạch, nhưng việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe.

Những hạn chế, bất cập nêu trên là những nguyên nhân dẫn đến nhiều nơi vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi và vẫn chưa xử lý dứt điểm các điểm đen về rác.

* Theo , công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện như thế nào để đảm bảo kết quả đạt được thực chất, không phải mang tính phong trào?

* Qua sơ kết, nhiều địa phương đăng ký chỉ tiêu đến cuối năm nay vận động đạt 90% - 100% người dân cam kết không xả rác. Tuy nhiên, để việc cam kết có hiệu quả và thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương xem lại nội dung cam kết và phải là sự cam kết 2 chiều: người dân cam kết với chính quyền và ngược lại. Trong hệ thống chính trị, cấp ủy cấp dưới phải cam kết với cấp trên, chi bộ khu phố cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp.

* Nhiều địa phương vào cuộc thực hiện cuộc vận động và đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng một số nơi vẫn thực hiện mang tính đối phó, được chăng hay chớ. Thực tế này sẽ được khắc phục bằng giải pháp gì, thưa ?

* Qua kết quả giám sát cho thấy, một số tổ chức Đảng ở cơ sở chưa thật sự vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân và đảng viên gương mẫu thực hiện. Một số cấp ủy cũng không ban hành các đảng văn đầy đủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU.

Cụ thể, Thành ủy yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn đánh giá cán bộ, phân loại đảng viên từ năm nay phải bổ sung tiêu chí là kết quả thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, cũng như kết quả thực hiện một số chủ trương lớn của Thành ủy.

"Hàng ngày thành phố phải vớt, gom rác ở 5 tuyến kênh rạch chính với trên 30 tấn rác/ngày. Trong số đó, chỉ 20% - 30% là lục bình và 70% - 80% là rác thải sinh hoạt. Đó là chưa kể lượng rác do các quận huyện vớt ở những tuyến rạch địa phương. TPHCM chi khoảng 25 tỷ đồng/năm cho việc vớt rác trên kênh rạch. Đây là tiền thuế của dân phải chi cho việc xả rác bừa bãi ra kênh rạch"

Các tin khác