Xử lý mạnh tay các băng nhóm xã hội đen

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen có biểu hiện manh động, gây mất trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân. 
Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến thảo luận, góp ý về việc xử lý các băng nhóm xã hội đen.
Bổ sung chế tài, tăng nặng hình phạt
Nguyên nhân tình trạng các băng nhóm tội phạm hoành hành là do cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quyết liệt đồng bộ, nhất là chưa có chế tài đặc biệt xử lý đến nơi đến chốn các tội phạm có tổ chức, chuyên thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố, xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác nhằm mục đích bảo kê, trấn lột tài sản của họ. Họ thường chỉ bị xử lý với các tội rất nhẹ (như gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, hoặc cố ý gây thương tích…), không thể hiện đúng bản chất, mục đích của hành vi phạm tội. Trong khi các chế tài, hình phạt không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung, các băng nhóm xã hội đen ngày càng hoành hành, mức độ ngày càng công khai, manh động hơn.
Do vậy, biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng này là phải sớm bổ sung các chế tài, hình phạt tăng nặng hơn so với hiện nay. Không thể đánh đồng, xét xử tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen như các đối tượng phạm tội hình sự thông thường được. Đặc biệt, nên chú trọng đến nhân thân của người phạm tội để đưa ra các mức hình phạt phù hợp, thỏa đáng.
Xử lý mạnh tay các băng nhóm xã hội đen ảnh 1 Công an TPHCM bắt một đối tượng liên quan đến vụ đánh nhau
ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Trường hợp các đối tượng hoạt động theo kiểu băng nhóm chuyên nghiệp, mức phạt phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các đối tượng phạm tội thông thường. Để thực hiện điều này khá đơn giản, đó là căn cứ vào tình tiết như tái phạm, phạm tội nhiều lần, phạm tội với nhiều người thì phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe, đúng bản chất của hành vi của tội phạm.
Ngoài ra, cần cho phép lực lượng chức năng được phép nổ súng tiêu diệt các đối tượng này, nếu xác định họ có hành vi manh động. Như vậy, mới đủ sức răn đe, xử lý triệt để các đối tượng này, bảo vệ tính mạng của người thực thi pháp luật.
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Xử nghiêm hành vi bao che, tiếp tay
Hầu hết vụ các băng nhóm giang hồ ra tay hành hung, truy sát là do tranh giành địa bàn làm ăn, bảo kê nhà hàng, quán bar, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… Thậm chí có những vụ manh động, bao vây, uy hiếp, đe dọa trực tiếp cả những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thực thi pháp luật, khiến xã hội vô cùng bức xúc, bất an.
Theo số liệu của Công an TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có 128 băng nhóm giang hồ bị triệt phá, 306 đối tượng bị bắt giữ. Trong các năm trước cũng có hàng trăm băng nhóm giang hồ hoạt động vi phạm pháp luật bị bắt giữ, với hàng trăm đối tượng. Trên thực tế vẫn còn nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động, đó là những “tảng băng chìm” chưa bị trấn áp triệt phá.
Còn nhớ, trong một lần trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đã chia sẻ rằng bản thân ông cũng nghi ngờ nếu không có những mối quan hệ chằng chịt với ai đó có chức vụ, họ không dám manh động như vậy. Cần làm rõ ai đã chống lưng khiến giang hồ ngày càng lộng hành. Thảo luận ở hội trường ngày 5-11 vừa rồi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo lắng về tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng, xảy ra ở nhiều nơi và đặt vấn đề có sự tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm xã hội đen hoạt động.
Để xã hội an ninh, an toàn thì không thể chấp nhận cảnh băng nhóm giang hồ manh động, lộng hành, vi phạm pháp luật và coi trời bằng vung. Cần có biện pháp kiên quyết, công khai và xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay của những người có thẩm quyền để cho băng nhóm giang hồ ngang nhiên vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, thường xuyên tuần tra, triển khai các phương án hoạt động nghiệp vụ và có biện pháp mạnh tay, trấn áp các hoạt động tội phạm giang hồ, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật qua tin báo của người dân, hành vi manh nha thực hiện tội phạm, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
NGUYỄN ĐƯỚC, quận 5, TPHCM

Các tin khác