Các gói cứu trợ kích thích giá vàng

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC về việc giá vàng liên tục tạo lập mức giá kỷ lục, ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhận định một trong các lý do giá vàng bứt phá do giới đầu tư quốc tế đang hăm hở đánh lên khiến giá vàng tăng liên tục.
Các gói cứu trợ kích thích giá vàng
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, điều này xuất phát từ đâu?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Bắt đầu từ giữa phiên giao dịch ngày 4-8 tại Mỹ, giá vàng thế giới lần đầu tiên trong lịch sử đạt 2.000USD/ounce. Đến cuối phiên giao dịch, giá vàng đóng cửa tại thị trường New York ở mức 2.022USD/ounce.
Tính chung trong ngày 4-8, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 2,1%. Đây là con số kỷ lục, mức tăng cao nhất trước đó 1,5% vào ngày 27-7. Điều này xuất phát từ thông tin Quốc hội Mỹ và các cơ quan hành pháp sẽ bàn bạc về việc thông qua gói trợ cấp mới trị giá 1.000 tỷ USD.
Với dự đoán tiền sẽ được bơm ra nền kinh tế Mỹ trong khi vaccine trị Covid-19 chưa có, tình hình dịch bệnh của Mỹ lại kéo dài, có dấu hiệu bùng phát đợt 2. Chính vì vậy, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và đã được giới đầu tư quốc tế đánh lên.
- Vàng và chứng khoán thường diễn biến trái chiều, nhưng trong các phiên giao dịch đầu tháng 8, giá vàng thế giới và chứng khoán Mỹ đều tăng?
- Chứng khoán tăng bởi giới đầu tư thấy rằng việc tìm ra vaccine trị Covid-19 chỉ còn là vấn đề ngày một ngày hai. Yếu tố quan trọng nữa là có ngành không chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19, như sản xuất thiết bị y tế, ngành kỹ thuật đặc biệt, công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay mạng lưới kết nối vạn vật (IoT).
Điều này thể hiện qua chỉ số Nasdaq tăng trên 11.000 điểm ngày 4-8. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ chỉ số Nasdaq đạt trên 11.000 điểm, mức cao nhất trước đó trên 10.000 điểm cách đây 1 tháng. 
Như vậy, chứng khoán xanh vì có lực xanh của cổ phiếu ngành y tế và kỹ thuật. Đồng thời, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vaccine trị Covid-19 sớm xuất hiện, nên họ đánh chứng khoán trước.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trước khi có gói tiền khổng lồ từ chính phủ Mỹ tung ra, giới tài chính quốc tế đã chủ động đánh lên cả kênh vàng chứng khoán. Để sau này, giả sử vàng đảo chiều quay đầu, họ vừa có thể chốt lời vàng, vừa tiếp tục đánh lên cả chứng khoán.
Hoặc ngược lại, khi chứng khoán đảo chiều, họ vừa chốt lời chứng khoán vừa đánh lên vàng. Tức giới đầu tư quốc tế đang đầu tư cả 2 kênh.
- Vậy nguyên do nào khiến giới đầu tư quốc tế hăm hở đánh lên cả vàng và chứng khoán thời điểm này?
Việc thay đổi đảo chiều của giá vàng có thể diễn ra vào tháng 9 và 10. Do đó, trong ngắn hạn, vàng là kênh đầu tư tốt nhưng trong trung hạn 2-3 tháng phải rất đề phòng. Muốn đầu tư đòi hỏi người chơi phải có kiến thức, kinh nghiệm chốt lời hoặc cắt lỗ.
- Ngày 3-11 tới là ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong tháng 9 sẽ có 2 cuộc tranh luận của 2 ứng cử viên, đến tháng 10 có cuộc tranh luận nữa. Thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ đến gần, trong khi chính sách của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong chừng mực nào đó về kinh tế có sự khác biệt, giới đầu tư không biết thị trường sẽ đi về đâu.
Chủ trương của Tổng thống Donald Trump là kinh tế đi trước. Ông muốn kinh tế Mỹ phát triển, tức chứng khoán phải tăng. Giới đầu tư quốc tế dự báo tháng 9 và 10, Tổng thống Mỹ sẽ làm cho chứng khoán xanh để lấy lợi thế, nên họ đầu tư vào chứng khoán trước. Đồng thời, Mỹ dự kiến bơm thêm tiền ra nền kinh tế để ứng phó với dịch Covid.  
Tương tự, các nước châu Âu cũng có nhiều gói kích cầu. Trong tháng 7, 27 chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa mới, gói cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR (cũng tương đương 1.000 tỷ USD) để khởi động lại nền kinh tế khối. Nhật Bản, Australia và Singapore cũng tung gói cứu trợ kinh tế trong thời gian gần đây.
Có thể nói, cả thế giới đang ngập lụt về tiền. Với lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng âm, vaccine chưa có, tình hình dịch bệnh lại kéo dài và có dấu hiệu bùng phát đợt 2. Vì vậy, giới đầu tư đánh lên cả vàng.
- Với đà bứt phá hiện nay, ngưỡng cản tiếp theo của vàng ở mức nào, giá vàng trong nước sẽ ra sao, thưa ông?
- Vàng đã vượt 1.924USD/ounce (mức kỷ lục vào tháng 9 và 10-2011), đã vượt được mức cản tâm lý 2.000USD/ounce. Nếu Mỹ tung ra gói cứu trợ mới trong khi vaccine trị Covid-19 chưa có, giá vàng sẽ còn lên nữa trong ngắn hạn.
Ngưỡng cản tiếp theo là 2.045USD/ounce, 2.080USD/ounce và nhiều chuyên gia dự đoán mức kháng cự thấp nhất vẫn ở mức 1.870USD/ounce. 
Với tình hình hiện nay, tôi cho rằng giá vàng trong nước sẽ không trở lại mức giá 36-37 triệu đồng/lượng. Liên tục từ đầu tháng 7 đến nay, CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thường xuyên có giá mua vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 1-1,5 triệu đồng, chênh lệch giá mua giá bán cũng thường xuyên trên 1-1,5 triệu đồng/lượng.
Có nghĩa, giá vàng SJC trong nước từ tháng 7 đến nay thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do SJC là doanh nghiệp nhà nước, nhưng cơ chế cung ứng vàng miếng cho họ thông qua nhập khẩu vàng hay dập vàng phân kim trong nước đều do NHNN quản lý thông qua Nghị định 24 năm 2012. 
Thực tế, SJC mua được mới bán được, không mua được sẽ không dám bán và phải nâng giá. Khi nâng giá bán phải nâng giá mua, đó là tình huống hiện tại. Ngoài ra, một số thông tin đăng tải cho rằng người dân đang bán vàng chốt lời, nhưng theo tôi chỉ cần xem giá các công ty kinh doanh vàng niêm yết là biết người bán nhiều hay người mua nhiều. Nếu người bán nhiều, chênh lệch giá mua bán phải khác.
Còn hiện nay, doanh nghiệp mua không được do không có người bán, buộc họ phải nâng giá mua.
Cách đây 2 tuần, tôi đã đề xuất NHNN nên cấp quota hữu hạn cho SJC, Agribank… lấy vàng phân kim trong nước để phân kim thành vàng 9999, dập ra vàng miếng cung ứng ra thị trường, đảm bảo một số nhu cầu chính đáng của người dân. Nếu cho phép điều đó, khi giá vàng thế giới tăng cao, những đối tượng có nhu cầu chính đáng sẽ không bị thiệt thòi, Nhà nước cũng không phải tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng.
Khi cấp quota dập vàng phân kim ra vàng 9999, cung sẽ đáp ứng cầu, chênh lệch giá thế giới - trong nước và giá mua - giá bán sẽ rút ngắn. Còn với tình hình hiện nay, người tiêu dùng bị “móc túi” đến 3 triệu đồng/lượng. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác