Tỷ giá trong xu hướng ổn định

(ĐTTCO) - Lãi suất đồng USD đã được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) điều chỉnh tăng vào giữa tháng 12 này, nhưng tỷ giá tại thị trường Việt Nam vẫn bất động và dự báo sự ổn định của tỷ giá sẽ còn duy trì trong năm 2018.
Một năm khác biệt
Thời điểm cuối tháng 11, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá USD/VNĐ tại các NHTM và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm, trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tính đến ngày 24-11-2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.430 đồng/USD, tăng 1,22% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá NHTM giảm 0,19%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,45% so với đầu năm. 
Thị trường ngoại hối vẫn đang được hỗ trợ nhiều từ các yếu tố như chỉ số USD Index nhiều phiên giảm liên tiếp, giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá USD/VNĐ (chỉ số USD Index tính đến ngày 24-11 mất 10,16% giá trị so với đầu năm 2017); cung ngoại tệ được hỗ trợ đáng kể khi cán cân thương mại xuất siêu trở lại và dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng khá. Chênh lệch giữa lãi suất huy động VNĐ và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VNĐ, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 46 tỷ USD, tạo dư địa khá tốt trong việc ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh đó, cuộc họp cuối cùng của FED vào ngày 13 và 14-12 vừa qua cũng không gây ra bất cứ áp lực đối với thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Hơn nữa, sau khi FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên mức 1,25-1,5% nhưng cũng nêu quan điểm thận trọng về diễn biến lạm phát, chỉ số Dollar Index lại không tăng mà còn ngay lập tức giảm 0,7% xuống còn 93,437 điểm. Với diễn biến này, NHNN đã phải giảm khá mạnh tỷ giá trung tâm 7 đồng xuống 22.443 đồng/USD vào ngày 14-12. Song tại các NHTM, tỷ giá đã không có phản ứng trước các thông tin này, giá mua bán USD vẫn được giữ nguyên như chốt phiên trước đó. 
Ghi nhận vào ngày 20-12, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức 22.437 đồng/USD và tỷ giá tại các NHTM vẫn ổn định, tại Vietcombank giao dịch với giá 22.680-22.750 đồng/USD. Ngay thời điểm này, tỷ giá trung tâm có thời điểm đã tăng 1,25%, còn tỷ giá tại NHTM giảm 0,17% so với đầu năm. Chỉ còn 11 ngày nữa là kết thúc năm 2017, cầu ngoại tệ có thể tăng lên do nhu cầu nhập khẩu, trả nợ, nhưng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào dự kiến sẽ không có nhiều biến động xảy ra trên thị trường ngoại hối. Như vậy năm 2017 trở thành năm khác biệt của tỷ giá.
Ảnh minh họa: P. LONG
Nhiều thuận lợi cho chính sách tỷ giá
Sắp kết thúc năm 2017, các tổng kết về nguồn vốn từ thị trường nước ngoài chảy về Việt Nam lần lượt được công bố cũng đều cho thấy mức tăng ấn tượng. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký năm 2017 có thể đạt 35 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Vốn FDI thực hiện ước đạt 17 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 11 tháng năm nay đã có 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,3 tỷ USD, cao hơn mức 3,42 tỷ USD của cả năm 2016. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đi vào thị trường chứng khoán trong 9 tháng cũng đã đạt 660 triệu USD. Đồng thời, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng đang tăng mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đã đạt hơn 4,55 tỷ USD trong 11 tháng và dự báo nếu không có biến động nào lớn, cả năm sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái. Trên quy mô cả nước hiện chưa có số liệu, nhưng một số dự báo đưa ra gần đây cho rằng năm nay kiều hối có thể đạt hơn 13 tỷ USD.
Nhìn về năm 2018, một chuyên gia tài chính nhận định, trên thị trường quốc tế, dù lãi suất đồng USD đã tăng nhưng các đồng tiền như EUR, bảng Anh và yen Nhật cũng đang trong xu hướng mạnh lên do các nước ngày muốn hạn chế chính sách nới lỏng tiền tệ. Như vậy, dù đồng USD mạnh lên nhưng các đồng tiền khác cũng mạnh hơn thì biến động của đồng USD cũng không lớn, theo đó tác động đến tỷ giá tại Việt Nam cũng không nhiều.
Chính phủ đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách hành chính để thu hút vốn đầu tư và xu hướng này vẫn đang được đẩy mạnh, là nền tảng để tin tưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài và vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. 
Tại thị trường trong nước, chính sách huy động USD bằng 0% cũng không gây tác động nhiều đến nguồn kiều hối chảy về Việt Nam, tiền gửi ngoại tệ năm 2017 qua 11 tháng vẫn tăng 3% so với cuối năm 2016, chiếm 12% tổng vốn huy động. Hơn nữa, chính sách này còn giúp một lượng ngoại tệ chuyển hóa thành VNĐ trong năm qua. Trong bối cảnh như vậy, chính sách tỷ giá của NHNN đang có nhiều thuận lợi, không cần nhiều thay đổi để tiến tới chống đô la hóa nền kinh tế.
Vấn đề còn lại hiện nay là tìm giải pháp để thu hẹp đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua bán, nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách để hưởng chênh lệch khi vay USD.

Các tin khác