Vàng trong cơn sóng dữ

(ĐTTCO) - Kể từ đầu tháng 2-2022, giá vàng thế giới bắt đầu một giai đoạn tăng mạnh với đỉnh điểm là cú nhảy vọt khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra. Trong giai đoạn này rủi ro địa chính trị và lạm phát là 2 yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến giá vàng. 
Khi 2 yếu tố này càng bất định nhà đầu tư càng phải thận trọng, vì những biến động trong thời gian ngắn rất lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư Việt Nam.
Vàng, trước hết là nơi trú ẩn
Đối với các nhà đầu tư, vàng trước tiên là một lớp tài sản trú ẩn để bảo vệ giá trị, rồi sau đó mới đến mục đích sinh lời. Chính vì vậy mà cơ cấu nhu cầu vàng trên thế giới cho việc đầu tư chỉ chiếm một phần tương đối.
Theo tổ chức Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng được chia thành 4 nhóm chính, sắp xếp từ cao đến thấp như sau: nữ trang, đầu tư, dự trữ của các ngân hàng trung ương, và dùng trong các ngành công nghệ.
Vàng trong cơn sóng dữ ảnh 1 Giá vàng trong 1 tuần đầu tháng 3-2022.
Nhu cầu vàng nữ trang trên thế giới luôn lớn hơn và liên tục nhiều năm, lớn hơn nhiều so với nhu cầu vàng để đầu tư. Chỉ riêng năm 2020 với đại dịch Covid-19 thì nhu cầu vàng đầu tư tăng vọt, vượt qua nhu cầu vàng nữ trang, nhưng sau đó giảm lại vào năm 2021.
Lịch sử của giá vàng có những giai đoạn tăng cũng như những giai đoạn giảm. Thí dụ, từ năm 2000 đến 2011, giá vàng tăng liên tục và tăng mạnh, trong giai đoạn này tăng gấp 6 lần. Sau đó lại giảm đến cuối năm 2015.
Nếu những ai mua ở đỉnh và bán ở đáy thì trong vòng mấy năm đã bị lỗ khoảng 70%. Sau đó giá vàng lại tăng giảm theo các rủi ro địa chính trị, lãi suất, tăng trưởng của các nền kinh tế. Giá vàng đã lập kỷ lục vào tháng 8-2020 khi quanh đỉnh 2.070USD/ounce.

Vàng trong cơn sóng dữ
Với tình hình bất định của chiến sự ở Ukraine và lạm phát ở nhiều nền kinh tế, vàng trong giai đoạn này có rất nhiều rủi ro vì biên độ dao động của giá rất lớn. Chỉ trong vòng 1 tuần giá vàng đã tăng giảm 5%, tính ra biên độ lên đến 10% là rất lớn. Bởi với giới đầu cơ vàng, những người này ít khi giao dịch vàng vật chất mà chủ yếu là các hợp đồng phái sinh. Với hiệu ứng đòn bẩy thì các khoản lời lỗ cũng rất lớn.
Trong khi mức độ quan tâm đến thị trường vàng của thế giới có chừng mực, vì họ xem vàng như trong danh mục các loại hàng hóa khác (commodities), thậm chí không quan trọng bằng các mặt hàng năng lượng hay kim loại nguyên liệu khác, thì ở Việt Nam mối quan tâm của người dân lại rất lớn.
Mối lo ngại lạm phát là chính đáng và vàng cũng là một kênh tài sản phù hợp để bảo vệ giá trị trong giai đoạn này, nhưng trên thị trường tài sản, ngoài vàng ra cũng có những loại tài sản khác thực hiện được chức năng này như một số loại cổ phiếu hay bất động sản. Có điều, trong lúc giá vàng có nhiều biến động và chọn đó là một cách để lướt sóng đầu cơ thì cần nhận thức đầy đủ các rủi ro của thương vụ này.
Vàng trong cơn sóng dữ ảnh 2 Nhu cầu vàng thế giới.
Thứ nhất là tình hình chiến sự thay đổi theo từng giờ, có thể tích cực hơn hoặc cũng có thể xấu hơn, và không ai có thể biết trước. Một tai nạn ngoài ý muốn hay một nỗ lực nào đó có thể làm tình huống thay đổi một cách đáng kể. Các chính sách của các ngân hàng trung ương, của các chính phủ với lạm phát cũng là một ẩn số lớn, phụ thuộc vào các ẩn số khác.
Thứ hai, thị trường vàng của Việt Nam chưa có sự liền mạch với thị trường thế giới, cụ thể là có một độ chênh lệch khá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Bên cạnh đó, vàng vẫn chưa được là hàng hóa giao dịch chính thức trên sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV). Các giao dịch vàng chủ yếu là giao dịch giao ngay và là vàng vật chất.
Thứ ba, chênh lệch giữa giá mua và giá bán (spread) là một khoản chi phí khá lớn đối với các nhà đầu cơ. Thí dụ như giá mua vào 68,4 triệu đồng mà giá bán ra 70,22 triệu cho 1 lượng vàng thì spread, lên đến 1,82 triệu đồng, ở mức 2,5% là rất cao so với các loại hình tài sản tài chính khác.
Như vậy, với những bất ổn về địa chính trị cũng như lạm phát thì trong thời gian ngắn tới giá vàng còn nhiều biến động lớn. Rủi ro sẽ là đáng kể đối với những nhà đầu tư muốn lướt sóng trong giai đoạn này. Riêng đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam, rủi ro còn cao hơn.
Chỉ khi nào thị trường vàng được vận hành theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh, thí dụ như có sàn giao dịch liên thông với thế giới, vàng vật chất có thể mua dưới dạng giấy chứng nhận… khi đó vàng sẽ được xem là một kênh đầu tư, còn nếu không đây cũng chỉ nên là một kênh để trú ẩn, bảo toàn giá trị. 
 Với những bất ổn về địa chính trị cũng như lạm phát, giá vàng còn nhiều biến động lớn, nên rủi ro rất lớn đối với những nhà đầu tư muốn lướt sóng trong giai đoạn này. Đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam rủi ro còn cao hơn.

Các tin khác