Vì sao vàng trong nước vẫn neo cao?

(ĐTTCO)-Giá vàng thế giới đã gây bất ngờ khi liên tục lao dốc nhiều phiên trong tuần trước, thậm chí có thời điểm rơi tự do xuống mức đáy 1.450USD/ounce. Trong khi đó, đà giảm của giá vàng trong nước chậm hơn, đã đẩy chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, thậm chí có lúc lên đến 4,4 triệu đồng/lượng, đạt kỷ lục trong vòng 8 năm qua. 
Vì sao vàng trong nước vẫn neo cao?
ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) về hiện tượng này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay liên tục giãn rộng, nguyên nhân vì sao?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, những khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra còn trầm trọng hơn những điều đã diễn ra vào năm 2008. Còn nhớ trong năm 2008, từ tháng 2 cho tới cuối năm, chỉ số Dow Jones giảm 46%, từ mức 13.000 điểm xuống còn 7.000 điểm.
Cũng trong năm đó, từ tháng 3 đến tháng 11, giá vàng giảm từ 931USD/ounce cho xuống 742USD/ounce, tức là giảm 20%. Nhưng sau khi giảm từ 931USD/ounce cho xuống 742USD/ounce quét sạch các đại gia kinh doanh vàng (bao gồm các NHTM), sau đó giá vàng đột ngột lên lại vào đầu năm 2009 và lên đỉnh vào năm 2011, một số NH bị cắt margin và thua lỗ. Giới kinh doanh vàng tại Việt Nam đã học được bài học kinh nghiệm cực kỳ quý giá từ năm 2008. 
Trong thời điểm hiện nay, khi chứng khoán lao dốc, giá vàng lao dốc, nhưng cũng giống như kịch bản năm 2008, các quốc gia lần lượt tung ra hàng loạt các gói kích cầu gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Khi các quốc gia từ Mỹ, Anh, Australia, EU gần như đẩy lãi suất bằng 0% và tung tiền ra bằng các hình thức, như vậy ai cũng thấy rằng khi chứng khoán và vàng lao dốc, tiền đang là vua.
Khi tiền đang được các quốc gia tung ra “ngập lụt” thị trường, thì tới lúc nào đó giá phải hồi phục lại, tức là chứng khoán hồi phục và giá vàng hồi phục. 
Thời điểm hiện tại, chứng khoán và vàng lao dốc, trong khi chính sách hạ lãi suất, chính sách kích cầu kinh tế ít nhất phải vài tháng nữa mới đi vào cuộc sống, mới chảy vào mạch máu nền kinh tế. Thêm vào đó, dịch bệnh lên đỉnh tại châu Âu và Mỹ mà theo dự báo phải từ 6-8 tuần nữa, tức là khoảng 2-3 tháng tới.
Vì những yếu tố đó, giới kinh doanh dự đoán rằng, giá vàng và giá chứng khoán vẫn còn rớt nữa. 
Năm 2020, chỉ số Dow Jones đã đạt đỉnh 29.500 điểm vào ngày 12-2 vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thoát được chuyện luận tội ở Hạ viện. Mặc dù Dow Jones đã đạt đỉnh 29 năm, nhưng đến giữa tháng 3 lại đang mấp mé mức 20.000 điểm. Và theo dự báo, chỉ số Dow Jones sẽ còn sụt dưới mốc 20.000 điểm, thậm chí tiệm cận 16.000-17.000 điểm. 
Nhưng tại sao dự báo giá vàng và giá chứng khoán thế giới còn rớt nữa nhưng vàng trong nước không giảm mà vẫn đứng giá? Bởi dân kinh doanh vàng trong nước đã có tính toán, vàng thế giới sẽ giảm nữa nhưng trong nước chỉ cho giảm từ từ thôi.
Vì chắc chắn với tình trạng mà các gói kích cầu bằng tiền tệ, các gói kích cầu bằng tài khóa tung ra, giá vàng sẽ tăng phi mã như năm 2009, 2010 và 2011. Với kinh nghiệm từ năm 2008, dân vàng đang chuẩn bị đánh lên.
Thứ hai, phải nói rằng năm 2008, khi giá vàng xuống thì giá vàng vật chất xuống bởi vì khi đó chưa có Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Khi đó nếu SJC không gia công thì những NH hay công ty kinh doanh vàng khác sẽ gia công. Họ sẽ nhập vàng biên giới về, gia công vàng miếng và tung ra thị trường.
Như vậy cung có sẵn sàng để đáp ứng cầu. Nhưng sau khi áp dụng Nghị định 24/2012, NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp tự kinh doanh phải có mua được mới bán được, họ mua không được thì không dám bán và phải neo giá cao.
Đó là lý do cho giá vàng miếng trong nước không thể nào xuống được. Hai lý do đó chính là bản chất tạo ra hiện tượng của mấy ngày gần đây là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng.
- Giá vàng trong nước và thế giới quá cao như vậy có lo ngại nguy cơ nhập lậu vàng không, thưa ông?
 Sau khi áp dụng Nghị định 24/2012, NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp tự kinh doanh phải có mua được mới bán được, họ mua không được thì không dám bán và phải neo giá cao. Đó là lý do cho giá vàng miếng trong nước không thể nào xuống được.
- Chắc chắn là có, vì NHNN độc quyền xuất nhập khẩu đối với vàng miếng, thị trường vàng trong nước sẽ không được liên thông với thị trường thế giới, dẫn tới rủi ro buôn lậu vàng có thể xảy ra nếu chênh lệch giá đủ hấp dẫn.
Như vậy, với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh chắc chắn sẽ tăng nguy cơ nhập lậu vàng.
- Theo ông, NHNN nên ứng xử như thế nào trước diễn biến này?
- Tôi nghĩ NHNN cũng thừa biết với tình hình này, vàng thế giới sẽ giảm rồi sẽ lên. Nhưng nếu giả sử NHNN xử lý ngắn hạn cũng có lợi và bất lợi. Xử lý ngắn hạn bằng cách cho nhập vàng nguyên liệu về đưa SJC gia công và bán có thể giảm được khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời thu được lợi nhuận lớn.
Song điều này lại phải đánh đổi vì sẽ phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ và tăng lên khả năng vàng hóa cho nền kinh tế. Do đó, đây cũng không phải là phương án tối ưu. Còn nếu dùng ý chí, dùng mệnh lệnh để giảm giá vàng xuống không khả thi trong nền kinh tế thị trường bởi vì như 2 lý do đã phân tích ở trên. 
Bây giờ không dễ gì người ta bán vàng giá rẻ, thậm chí nhiều người còn muốn mua vàng vào. Do vậy, theo tôi hiện nay NHNN cứ để cho thị trường hoạt động. Giá vàng SJC sở dĩ mua cao bán cao bởi vì họ không có hàng để mua, do đó họ phải nâng giá cao để bán.
Đồng thời tâm lý từ bài học vàng năm 2008 vẫn còn đấy. Cứ để cho thị trường vận động, để cho người dân thấy rằng vàng cũng như khẩu trang vậy, cũng theo quy luật cung cầu.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác